Chó Pug hay còn gọi là chó mặt xệ không còn là chiếc boss quá xa lạ đối với chúng ta. Với thân hình mũm mĩm và khuôn mặt luôn gây thương nhớ, chiếc boss này đã chinh phục được các sen trên khắp thế giới trở thành một trong những giống chó ưa chuộng nhất. Điều đó cũng không ngoại lệ ở Việt Nam, chó Pug mặt xệ trở thành người bạn của nhiều gia đình. Nếu bạn cũng đang muốn sở hữu một chiếc boss này và muốn tìm hiểu về chúng, thì bạn không nên bỏ qua bài viết dưới đây. Hãy cùng Petwiki tìm hiểu về giống chó này nhé!
Thông tin sơ lược:
Nguồn gốc | Trung Quốc |
Chiều cao | 25 – 35cm |
Cân nặng | 6.5 – 10 kg |
Tuổi thọ | 12 – 15 năm |
Tính cách | Thân thiện, thông minh, ăn nhiều và có phần lười biếng |
Màu lông | Nâu vàng, đen |
Màu mắt | Nâu |
Đặc tính sinh sản | Mang thai trung bình 63 ngày, mỗi lứa 4-6 con |
Giá | Từ 6 – Trên 40 triệu đồng tùy xuất xứ |
Lịch sử ra đời
Hiện nay vẫn chưa có nguồn tin nào đảm bảo chính xác về xuất xứ, nguồn gốc của chó Pug. Nhưng vẫn có thông tin để lại rằng, chú chó này đã xuất hiện vào khoảng 200 năm TCN ở thời nhà Hán của Trung Quốc. Chỉ được nuôi bởi hoàng thân, quốc thích, những người có gia thế.

Đến đầu thế kỷ thứ 16, giống chó này được du nhập sang Hà Lan và trở nên phổ biến lan ra khắp châu Âu. Được nuôi chủ yếu ở giới hoàng gia, quý tộc. Đặc biệt dưới thời nữ hoàng Anh Victoria đệ nhị, bà vô cùng yêu thích giống chó này và quyết định nhân giống chúng, từ đây chó Pug phát triển mạnh mẽ hơn ở nước Anh. Độ phổ biến của em này phủ rộng đến nỗi những hình ảnh của chúng được sử dụng trong các trang sức, tranh vẽ, bức tượng, quần áo,…
Sau này đến khoảng thế kỷ thứ 19, chó Pug mặt xệ được du nhập sang Mỹ và trở thành một giống thú cưng ưa chuộng. Năm 1885, được hiệp hội giống chó Mỹ AKC công nhận là một giống chó riêng.
Đến nay, giống chó quý tộc này đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi giống chó này vừa trở thành người bạn, vừa là những chiếc boss mà các sen phải cật lực ngày đêm cày bừa để có tiền chăm chúng.
Đặc điểm ngoại hình và tính cách
Có thể nói, sự phổ biến của chú chó Pug này một phần là do được yêu thích bởi ngoại hình và tính cách của chúng. Một em Pug có tuổi thọ khá cao, từ 12 – 15 năm. Thế nhưng để chăm sóc em ấy thật tốt, chúng ta cần tìm hiểu về đặc điểm của em ấy. Vậy chúng có những đặc điểm ngoại hình và tính cách như thế nào?
Đặc điểm ngoại hình
Chó Pug trưởng thành có cân nặng từ 6.5-10 kg và có chiều cao 25-35cm kể từ chân đến vai. Pug có phần thân hình khỏe mạnh, săn chắc nhưng không quá lớn và có body hình vuông. Khung xương lớn, phần xương vai mở rộng hơn xương hông nên trong hình dáng chó Pug khá giống quả lê.
Chiếc boss có dáng đi vững chắc, oai vệ bởi xương sống lưng thẳng và 4 chiếc chân ngắn nhưng to khỏe. Thân hình khá to mập và phần thịt săn chắc cùng với chiều cao hơi khiêm tốn nên trông vô cùng đáng yêu và đốn tim người nhìn

Về đầu chó, khi nhìn ngang sẽ có hình vòng cung và không có xương mũi nên trông chiếc mũi khá thấp. Việc không có xương mũi cũng khiến cho boss gặp nhiều vấn đề hơn khi thở và thường mắc các bệnh liên quan.
Còn khi nhìn thẳng, cúng cưng Pug khiến người nhìn xuýt xoa với khuôn mặt to tròn có nhiều nếp nhăn chồng lên nhau. Đôi mắt tròn xoe, long lanh và hơi lồi nhẹ đã khiến chiếc boss này trông đáng yêu hơn. Chiếc tai to dày luôn cụp xuống nhưng có thể nghe được mọi thứ rất rõ. Phần khuôn hàm của chó mặt xệ khá rộng, chắc khỏe, các răng sắc nhọn. Hàm dưới nhô ra nhiều hơn so với hàm trên khiến cho phần da hai bên cánh mũi có phần chảy xuống
Chó Pug mặt xệ có bộ lông ngắn siêu mượt sát vào da. Chó pug thuần chủng có bộ lông màu nâu ánh vàng và màu đen. Sau này khi bị lai tạo, cún có màu lông đa dạng hơn
Đặc điểm tính cách
Nhìn bề ngoài, khuôn mặt chó Pug có phần hơi dữ tợn, khó gần. Nhưng tính cách của chúng thì hoàn toàn ngược lại. Chiếc boss này khá thân thiện, năng động và hòa đồng với con người và các loài vật khác. Nhưng đặc điểm này khiến chó Pug bị đánh giá là khả năng giữ nhà không cao. Chó Pug rất thông minh, lanh lợi và rất ham học hỏi nên khi huấn luyện boss học rất nhanh và luôn hoàn thành tốt các bài luyện tập.

Do có nguồn gốc là loại giống chó quý tộc nên chó Pug cũng khá lười biếng và thích được cưng chiều. Boss rất tham ăn nên chúng sẽ ăn bất cứ thứ gì bạn đưa. Vì thế bạn cũng nên quan tâm đến thức ăn đưa chó chúng và có những bài tập đúng cách để tránh để boss bị béo phì nhé.
Chó Pug được xem là sống rất có tình cảm, luôn quấn quýt và trung thành với chủ của mình. Boss sẽ cảm thấy ghen tị khi thấy chủ nhân cưng nựng, vuốt ve các loại vật nuôi khác. Điều này khiến các sen không nỡ bỏ rơi chú boss đáng yêu này. Một điểm vô cùng đặc biệt đối với chú boss này nữa là chú rất ngoan và không thích phá phách. Do đó bạn có thể an tâm để chú ở nhà cả ngày
Cách nhận biết chó Pug thuần chủng
Hiện nay khi chó Pug được nuôi rộng rãi nên việc xuất hiện các giống lai tạp là điều không thể tránh. Dựa vào đặc điểm ngoại hình và gia phả bố mẹ, ta có thể nhận biết và phân chó Pug thành hai loại là chó Pug thuần chủng và chó Pug lai

Chó Pug thuần chủng thường có thân hình cân đối và vuông vắn. Chúng tương đối thấp người và có bộ xương to. Thêm vào đó nữa, chó có lưng thẳng, không bị gồ ghề hay lồi lõm. Chiếc đuôi ngắn và cuộn lại thành vòng tròn trên lưng. Chó Pug có khuôn mặt tròn mắt to, càng nhiều nếp nhăn càng được xem là đẹp và được ưa chuộng hơn
Một điểm để dễ dàng nhận biết giữa chó Pug thuần chủng và chó Pug lai đó là ở đặc điểm tai. Chó Pug thuần chủng có tai cụp xuống hoàn toàn thì chó Pug lai có tai hướng lên trên
Kinh nghiệm nuôi chó Pug
Do tính cách háo ăn và hiền lành, ngoan ngoãn nên việc nuôi chó Pug cũng không quá khó khăn. Petwiki sẽ cung cấp cho bạn một số kinh nghiệm nuôi chó Pug dễ dàng mà vẫn có thể phát triển khỏe mạnh
Nuôi chó Pug con
Nếu các bạn muốn nhận nuôi chó Pug con thì nên nhận nuôi chó lúc còn nhỏ khoảng từ 2 tháng tuổi trở lên. Lúc này, chó đã đủ cứng cáp và có thể thôi bú sữa mẹ. Chó Pug con khi này dễ dàng nuôi và thích nghi hơn
Môi trường sống
Nên để bé ở một không gian rộng rãi, thoải mái để các bé có nơi vui đùa. Chó Pug con rất hiếu động nên những không gian như vậy sẽ là lý tưởng nhất
Thức ăn
(2-3 tháng tuổi): Nên cho ăn các loại thức ăn dạng nhỏ và mềm. Đặc biệt là các thức ăn, rau, củ, quả xay nhuyễn để bé dễ dàng hấp thu hơn
(3-6 tháng tuổi): Lúc này có thể ăn thêm tôm, cua, cá nhưng chỉ nên bổ sung 2-3 bữa/tuần nếu không sẽ khiến bé bị tiêu chảy. Các bữa ăn cách đều nhau, mỗi ngày 3 bữa để bé có thời gian tiêu hóa. Có thể bổ sung thêm sữa ấm 300-400 ml/lần. Ăn thêm 2-3 trứng hột vịt lộn mỗi tuần giúp lông bé mượt mà hơn và bé cũng phát triển khỏe mạnh hơn.
Trong khoảng thời gian này, chỉ ăn thức ăn nấu chín, không ăn xương để tránh bị hóc. Cung cấp nước cho bé, thay nước 3 lần mỗi ngày. Vệ sinh thiết bị dụng cụ ăn sạch sẽ. Không để bé ăn thức ăn thừa hôm trước.

Vệ sinh
- Tắm bé từ 1-2 lần/ tháng, do việc bé còn nhỏ và bộ lông không phải dày nên bé không cần phải vệ sinh, tắm rửa nhiều. Có thể giảm cường độ tắm vào mùa đông
- Sử dụng sữa tắm chuyên dụng cho thú cưng
- Matxa nhẹ nhàng và làm sạch kỹ những nơi như kẻ móng chân, tay, nách
- Chăm sóc các nếp nhăn bằng tăm bông ẩm và lau khô ráo
Vận động
- Dẫn chó đi dạo, chạy bộ khoảng 15-20 phút mỗi ngày để giúp giải phóng các năng lượng và khiến tinh thần các bé vui vẻ hơn
- Có thể lựa chọn các bài tập nhẹ, phù hợp như: nhặt bóng, nhảy cao để bé phát triển về cơ bắp và giúp xương chắc khỏe hơn
Chăm sóc chó Pug trưởng thành
Điều kiện sống
Luôn tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng để bé có thể tự do vui đùa chạy nhảy. Hạn chế ra đường vào các ngày hè oi bức, nóng nực để tránh bị sốc nhiệt. Chỗ ngủ sạch sẽ, khô ráo để tránh vi khuẩn sinh sôi, phát triển

Thức ăn
- Nên ăn các loại thịt để cung cấp protein hàng ngày. Ăn các loại thức ăn có chứa Protein cần thiết như: thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá, xương bò, xương lợn,… có thể thay thế trong mỗi bữa ăn
- Các thực phẩm bổ xung chất xơ, tinh bột như: bông cải xanh, gạo lứt, khoai tây,…
- Có thể xem qua và sử dụng các loại thức ăn hạt dành cho thú cưng vừa có thể cung cấp dinh dưỡng mà lại thuận tiện hơn
- Không nên ăn các loại đồ ăn quá mặn, cay nóng. Điều này sẽ tác động xấu đến vị giác cũng như hệ tiêu hóa đường ruột.
- Ngoài ra hạn chế các thức ăn ngọt, nước ngọt để tránh hỏng men răng và ảnh hưởng không tốt đến thần kinh
- Không ăn các loại mỡ, chất béo nhiều, thức ăn đóng hộp và thức ăn sống rất khó tiêu hóa
Vệ sinh
- Nên tắm cho chó Pug ít nhất 1 lần/ tuần
- Chú ý vệ sinh tai boss 1 lần/tuần bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng
- Cắt móng cho Pug định kỳ vì giống chó này rất ít khi mài móng của nó
- Vệ sinh bát ăn, khay nước sau mỗi lần ăn
- Có thể đánh răng nếu cảm thấy chó Pug bị hôi miệng
Vận động
Tương tự lúc nhỏ, chó Pug nên dành 15-20 phút vận động mỗi ngày. Đây là giống chó khá lười biếng và tham ăn, nên nếu không cho chúng tập thường xuyên đều đặn sẽ khiến chúng dễ bị béo phì. Các bài tập có thể là đi bộ, bắt bóng, đuổi bắt,…
Do vốn là giống chó có sức bền kém, nên các sen không nên để chó Pug thực hiện các bài tập nặng, quá sức sẽ khiến bé bị đuối sức, ảnh hưởng các cơ, chi
Chăm sóc chó Pug sinh sản
Chó Pug bắt đầu có thể giao phối sau khi em ấy đã dậy thì. Tuổi dậy thì ở chó Pug thường vào tháng tuổi thứ 6-8. Trong giai đoạn này bạn sẽ thấy chó Pug có vẻ ngoài đẹp hơn, thích tiếp cận chó khác giới và có dấu hiệu kén ăn. Chó Pug động dục khoảng 2 lần trong năm và tùy vào sức khỏe của bé, thời điểm có thể sớm hoặc trễ hơn 1-3 tuần.
Chó Pug sẽ mang thai trung bình 63 ngày, bạn có thể tính thời gian từ ngày giao phối của bé. Nếu có thai ít con thì cún mẹ sẽ mang thai nhiều ngày hơn, tối đa là 68 ngày. Để chắc chắn chó Pug đã có thai thì tầm ngày thứ 35 bạn nên cho bé đi siêu âm.
Trước khi sinh 1 tuần bạn sẽ thấy dấu hiệu tiết sữa của chó Pug mẹ, chó Pug con khi sinh ra cần được uống sữa mẹ. Đến tuần tuổi thứ 6, chó Pug con có thể tách mẹ và tập ăn thức ăn thô để phát triển toàn diện.
Cách huấn luyện chó Pug
Việc huấn luyện chó khi còn nhỏ là điều cần thiết để sau này khi chó trưởng thành chúng sẽ quen với các mệnh lệnh và nói chuyện chúng sẽ hiểu hơn.

- Dạy chó Pug nhặt đồ
Để đồ vật cho chó Pug nhìn thấy, sau đó ném đồ vật đi và hô to “đi”. Sau đó, dùng tay vỗ nhẹ vào đùi, đẩy nhẹ mông để Pug hiểu ý chạy theo đồ và mang về. Khi boss mang về hãy xoa đầu chúng và khen ngợi.
- Bắt tay
Mang đồ ăn rồi ngồi xổm xuống trước mặt boss và hô to “bắt tay” và dùng tay trái nhấc chân phải của chó lên đặt vào bàn tay phải của mình và thưởng đồ ăn cho chúng. Mỗi ngày cứ tập đi tập lại đều đặn tạo thói quen. Đến khi mình hô “bắt tay” thì chó tự động đặt tay lên cho mình là được
- Đi vệ sinh
Quan sát thấy biểu hiện của chó như đi vòng vòng, đứng ngồi không yên, nhấc chân lên rồi ngửi là biểu hiện của chó đang muốn đi vệ sinh. Khi này dắt chó đến nơi vệ sinh quy định và đứng một chỗ để chó hiểu được là mình chỉ được đi vệ sinh ở đây. Thường xuyên mang chúng đi vệ sinh đúng nơi quy định để chó quen dần và biết sau này sẽ đi vệ sinh được ở chỗ đó
- Tập chó không cắn xé đồ đạc
Khi thấy chó cắn phá đồ đạc, tức thì quát to “không cắn” khi này chó sợ tiếng quát sẽ nhả ra. Nếu chó vẫn không chịu nhả nên dùng tay vỗ nhẹ vào miệng Pug để chúng nhả đồ ra để chúng sợ không cắn đồ nữa
Nên mua chó Pug ở đâu, giá bán được cập nhật hiện tại
Để tìm mua chó Pug an toàn là điều không hề dễ dàng. Có quá nhiều nơi bán và giá cũng đa dạng. Sau đây Petwiki sẽ cho bạn một số thông tin về giá bán cũng như cách chọn nơi mua uy tín

Giá bán của chó Pug mặt xệ
Chó Pug xuất xứ khác nhau sẽ có giá bán khác nhau
- Giá chó Pug nhập từ Thái Lan sẽ có giá dao động khoảng từ 12-25 triệu đồng.
- Giá chó Pug nhập từ châu Âu thường rất đắt trên 42 triệu một em Pug con.
- Giá chó Pug nhập từ Australia sẽ có giá khoảng 30 triệu đồng.
- Giá chó Pug Ấn Độ chỉ khoảng từ 2-4 triệu
- Đối với giống chó Pug ở Việt Nam sẽ có giá từ 6-8 triệu trên một con giống thuần chủng nhưng không có giấy tờ VKA. Còn lại giống chó có giấy tờ đầy đủ, nguồn gốc gia phả rõ ràng sẽ có giá từ 8-14 triệu.
- Các loại giá rẻ hơn thường không có nguồn gốc giấy tờ rõ ràng
Nên mua chó Pug mặt xệ ở đâu?
Hiện nay có rất nhiều nơi rao bán chó Pug từ các cửa hàng thú cưng lớn, các trại chó đến các trang web online, hộ dân,… nên việc xác định độ uy tín, chất lượng là điều không hề dễ dàng
Để đảm bảo, khi mua bạn nên nhờ người quen có kinh nghiệm về giống chó đi cùng, đi trực tiếp đến cửa hàng và lựa chọn những shop uy tín, có nhiều người mua, bình luận tốt. Ngoài ra, chắc ăn nhất bạn vẫn nên xem xét các cửa hàng có phải là thành viên hiệp hội VKA hay không
Mong rằng với những thông tin trên sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều kiến thức về giống thú cưng này. Petwiki xin cảm ơn bạn đã xem qua bài viết nhé!