Chó Poodle nổi tiếng với bộ lông xoăn tít và đốn tim người khác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nếu bạn đang tìm kiếm một em cún trung thành, thông minh và năng động thì không thể bỏ qua giống chó Poodle. Cùng Petwiki tìm hiểu kỹ hơn về giống chó Poodle đáng yêu qua bài viết này nhé!
Chó Poodle có nguồn gốc từ đâu?
Chó Poodle có lịch sử lâu đời, từ 400 năm trước, chúng là loài chó cảnh được thuần hóa phổ biến nhất ở Tây Âu. Mặc dù được cho là có nguồn gốc từ Pháp, nhưng Poodle thực sự có nguồn gốc từ Đức. Tên Poodle trong tiếng Đức là Pudel có nghĩa là thợ lặn. Ở Pháp, Poodle còn được gọi là Caniche, có nghĩa là chó săn vịt.
Poodle khởi đầu là chó săn. Nhưng chúng cũng làm chó dẫn đường cho những chú chó mù và cảnh sát. Với sự thông minh nhanh nhẹn và mong muốn được làm hài lòng. Chúng đã được huấn luyện thêm để trở thành những chú chó biểu diễn trong các đoàn kịch và rạp xiếc.

Giới quý tộc, đặc biệt là ở Pháp, đã phát hiện ra giống chó này và rất thích cả tính cách của nó lẫn về ngoại hình. Bộ lông của Poodle có thể biến hóa đáng kinh ngạc, tạo hình theo vô số cách. Poodle tỏa sáng trong ánh hào quang của sàn đấu với trang phục và phụ kiện bắt mắt cho chó
Ngày nay, Poodle đã trở thành giống chó cảnh được yêu thích trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Puddle” đứng thứ 9 trong danh sách những giống chó được yêu thích nhất của American Kennel Club – AKC. Chúng đã được lai tạo để trở thành một giống chó cảnh với bộ lông xoăn và thân hình nhỏ nhắn.
Đặc điểm ngoại hình và tính cách
Ngoại hình chó Poodle
Về mặt kích thước, Poodle có kích cỡ trung bình, không quá to cũng không quá nhỏ (Nếu không tính đến các dòng Poodle siêu mini như Teacup và Tiny Poodle). Các em này có thân hình cân đối, cơ thể có chiều dài bằng với chiều cao tính từ bả vai xuống. Poodle có phần lưng thẳng, cổ dài nhưng không kém phần thanh lịch. Kết hợp với chiếc mõm dài và tai to, thẳng, rủ xuống 2 bên má

Cả 4 chân cao đều nhau, bàn chân hình oval, nhỏ nhắn. Poodle có phần đùi săn chắc, mông tròn và đuôi thẳng đứng. Tất cả hòa làm một tạo nên những bước đi uyển chuyển cho Poodle. Chính vì thế mà các bé có những bước đi thanh thoát, lúc nào cũng sống động và đầy tinh nghịch.
Điểm nổi bật nhất về ngoài hình của Poodle vẫn đến từ bộ lông. Lông của Poodle xoăn tít từ đầu đến chân và dường như dính chặt với nhau. Tuy gọi là lông, nhưng bộ lông của Poodle có đặc tính giống như tóc của chúng ta. Chúng sẽ cứ mọc dài ra mà không rụng, điều này thật tuyệt vời với người bị dị ứng lông chó. Poodle sở hữu màu lông hầu như giống hoàn toàn với màu da vì bé có lớp da đa sắc tố. Màu lông của các em ấy cũng rất phong phú: màu nâu đỏ, trắng, đen, màu mơ vàng, socola,..thậm chí là màu bò sữa!
Tính cách chó Poodle
Chó Poodle xuất thân là giống chó săn vịt thế nên các em ấy rất nhanh nhẹn, có tính cảnh giác cao. Không những thế, Poodle được xếp vào 1 trong những giống chó thông minh nhất thế giới. Nhờ sự hoạt bát và thông minh, biết vâng lời nên việc huấn luyện Poodle cũng có phần dễ hơn. Nếu gặp người lạ, Poodle sẽ cất tiếng sủa không ngừng nếu không được chủ nhắc nhở. Tuy nhiên các em ấy không cắn người lạ đâu nhé.

Bên cạnh ngoại hình thu hút thì Poodle còn cực kì thân thiện. Bất cứ ai trong gia đình bạn cũng đều có thể chơi với em ấy cả ngày. Poodle rất vui vẻ, ham học hỏi và khả năng bắt chước rất tốt. nên chơi với trẻ nhỏ hay người lớn tuổi đều rất phù hợp. Poodle sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn có cún để bầu bạn.
Poodle cần không gian rộng rãi, thoáng mát để có thể tự do chạy nhảy, vui chơi. Nếu để em ấy ở nhà, hay ở trong chuồng cả ngày thì Poodle sẽ dễ cáu kỉnh, cắn phá đồ đạc. Thế nên Poodle khá nhạy cảm với môi trường xung quanh và cả những món ăn của chúng nữa. Nhưng bạn đừng lo, Poodle không kén ăn đâu, các em ấy có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm.
Phân loại các dòng Poodle
Gia đình Poodle có 3 dòng chính thức được công nhận: Toy Poodle (siêu nhỏ), Miniature Poodle (nhỏ) và Standard Poodle (lớn). Nhưng tại Việt Nam, dòng Toy Poodle là được ưa chuộng hơn cả vì thân hình nhỏ gọn và phù hợp với điều kiện nuôi tại căn hộ.

Bên cạnh đó còn có 2 dòng khác không được công nhận: Tiny Poodle và Teacup Poodle. Các bé này là thể lỗi trong khi phối giống, nhưng chính bởi kích thước bé nhỏ đó đã đốn tim triệu người. Tiny và Teacup Poodle đã trở nên cơn sốt khi được săn lùng nhiều hơn 3 dòng chính thức kể trên.
Standard Poodle

Sở hữu kích thước lớn nhất trong nhà Poodle chính là Standard Poodle. Các bé cún có thể cao từ 40-50cm và nặng tận 35kg. Có lẽ tại Việt Nam bạn sẽ ít gặp các em này, nhưng Standard Poodle rất được ưa chuộng trên Thế Giới.
Standard Poodle được nuôi để làm chó cảnh nhưng tại Tây Âu người ta vẫn huấn luyện các em ấy để săn vịt, bắt cá,…
Miniature Poodle

Cũng giống với người anh em Standard, Mini Poodle không được nuôi phổ biến tại Việt Nam. Với thân hình thuộc cỡ tầm trung, có thể đạt kích thước từ 28-38cm và nặng 7-9kg. Các em ấy vốn rất thông minh và được nuôi nhiều ở Tây Âu, Pháp trong các rạp xiếc.
Toy Poodle

Có thể bạn chưa biết, Toy Poodle là một giống chó có lượng “fan” đông đảo. Không chỉ vì vẻ ngoài có bộ lông sang chảnh, mà còn do Toy Poodle có kích thước vừa phải. Toy Poodle có chiều cao dưới 30cm và nặng tối đa 5kg. Sức khỏe của các em này cũng rất ổn định, hoàn toàn phù hợp với những người nuôi ở căn hộ nhỏ, có ít diện tích.
Có thể bạn muốn xem: Chó Poodle Toy có đặc điểm gì? Tính cách ra sao?
Tại Việt Nam, Toy Poodle được nuôi rất phổ biến. Có thể bạn chưa biết, Toy Poodle là một giống chó có lượng “fan” đông đảo. Không chỉ vì vẻ ngoài có bộ lông sang chảnh, mà còn do Toy Poodle có kích thước vừa phải.
Tiny Poodle

Poodle Tiny là một trong những gương mặt được yêu quý nhất trong gia đình Poodle. Dù không được chính thức công nhận như các dòng Poodle kể trên, nhưng Tiny Poodle đã chiếm được trái tim của nhiều người.
Với kích thước cơ thể chưa đến 20cm và nặng dưới 3kg, kết hợp với bộ lông xoăn tít từ đầu đến chân. Một điểm nữa là các em ấy sở hữu đôi tai dài hơn các “phiên bản” khác của Poodle, làm sao bạn có thể bỏ qua sự đáng yêu này.
Tiny Poodle có kích thước to hơn một chút so với Teacup Poodle nên sức khỏe cũng ổn định hơn. Vì thế Tiny Poodle luôn được ưa chuộng hơn, bạn có muốn chọn cho mình một em cún tóc xoăn này không?
Teacup Poodle

Nghe đến tên Teacup là bạn có thể nghĩ đến ngay kích thước của em này chỉ bằng 1 tách trà! Teacup Poodle là dòng chưa được công nhận chính thức, nhưng đang được săn đón rất nhiều. Chính bởi ngoại hình nhỏ nhắn chỉ từ 12 – 15cm và nặng từ 1-2kg.
Không chỉ thừa hưởng được sự thông minh nhanh nhẹn mà còn rất nhỏ bé nữa. Poodle Teacup hoàn toàn phù hợp để sinh sống trong các căn hộ chung cư, có diện tích nhỏ. Tuy nhiên, vì là một biến thể lỗi nên Teacup Poodle sẽ dễ mắc bệnh hơn. Hãy tìm hiểu kỹ về tình trạng sức khỏe của bé để có thể chăm sóc tốt hơn nhé.
Các màu lông hot nhất của Poodle
Chó Poodle có các màu lông nào? Màu lông của Poodle phong phú hơn bạn nghĩ đấy: nâu đỏ, đen, xám, trắng, xám màu kem sữa, màu bò sữa. Điểm qua các màu lông hot nhất của chó Poodle nhé:

- Poodle nâu đỏ: đây là màu lông phổ biến nhất của Poodle, nhưng khi các bé lớn lên sẽ dần chuyển sang màu nâu sáng hơn.
- Trắng: Màu lông này khiến cục bông Poodle chiếm trọn trái tim của nhiều người. Nhưng bạn cần phải dành nhiều thời gian hơn để giữ cho bé không bị lấm bẩn đấy nhé.
- Đen: Nếu bạn thích sự bí ẩn và quyến rũ thì Poodle màu đen là sự lựa chọn hoàn hảo. Các bé sở hữu bộ lông đen tuyền thường thì lông sẽ có độ bóng nhất định và vô cùng nổi bật
- Xám: Poodle xám cực kì đáng yêu, màu xám toát lên vẻ thanh tao lịch lãm. Thế nhưng các em ấy được cho vào hàng “hiếm có khó tìm” trong bộ sưu tập màu lông Poodle đấy nhé.
- Bò Sữa: Đứng sau màu xám về độ khó tìm là Poodle bò sữa. Các bé này là kết quả của sự lai tạo Poodle trắng và đen, trông rất đáng yêu và sang trọng.
- Kem: Khác với những màu sắc nổi bật kể trên thì màu kem cũng đang rất thịnh hành. Hơn nữa nếu sở hữu một em Poodle màu kem bạn sẽ dễ dàng phối phụ kiện cho bé thêm nổi bật.
- Socola: Các tín đồ yêu thích Poodle tại Việt Nam lại ưu tiên chọn màu socola hơn cả. Không chỉ đáng yêu, sang trọng mà còn phù hợp với những ai không có nhiều thời gian chăm sóc lông cho bé. Màu socola sẽ trông ít bị bẩn hơn những màu lông khác.
Cách nuôi và chăm sóc Poodle
Cũng như các giống chó khác, Poodle cũng cần được quan tâm chăm sóc mỗi ngày. Những lưu ý nào trong cách nuôi chó Poodle mà các sen cần chú ý. Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Môi trường sống thoải mái, thường xuyên vận động
Với bản tính nhanh nhẹn và thích vận động, Poodle cần một môi trường sống thoải mái, không gian thoáng đãng. Tuy nhiên với kích thước nhỏ bé của em ấy thì ở một căn hộ nhỏ không thành vấn đề. Nhưng bạn nên lưu ý cho Poodle ra ngoài chạy nhảy, tập thể dục và tiếp xúc với nhiều người nhé.
Với trí thông minh vượt trội, chó Poodle cực kì hứng thú với những hoạt động săn bắt, rèn luyện thể thao, …Nếu để Poodle ở nhà một mình em ấy sẽ dễ bị trầm cảm và nhút nhát. Hơn nữa nếu không được vận động, Poodle sẽ bị tăng cân nhanh chóng. Hãy dành nhiều thời gian để dắt chú cún của mình đi dạo nhé. Điều này giúp bé sống hạnh phúc hơn, tránh xuất hiện các hành vi hung dữ, cắn xé đồ đạc.

Quan tâm đến tình trạng sức khỏe Poodle
Các bé Poodle rất nhạy cảm với thời tiết, quá nóng hay quá lạnh đều không tốt cho bé. Thế nên bạn nhớ lưu ý nhiệt độ phòng và ngoài trời hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho Poodle. Dù rất thích đi dạo nhưng hạn chế cho Poodle ra ngoài khi trời quá nóng hay quá lạnh nhé.
Lưu ý về cách tắm cho chó Poodle, bạn nên pha nước ấm trong khoảng 40-50 độ C nhé. Vì Poodle rất dễ bị cảm lạnh, bạn có thể tắm cho em ấy 1 tuần/lần khi mùa hè và 2 tuần/lần vào mùa đông. Tuyệt đối không tắm cho Poodle khi mới sinh xong, sau khi tiêm vacxin hoặc Poodle đang bị ốm,..
Tuổi thọ của chó Poodle trung bình từ 12-15 năm, hãy lưu ý để chăm sóc tốt cho em ấy nhé. Tuy có tuổi thọ cao nhưng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và tình trạng sức khỏe của em ấy. Vì thế trước khi nhận nuôi Poodle bạn nên tìm hiểu kỹ các vấn đề nên trên nhé.
Chăm sóc bộ lông “thời thượng”

Bộ lông “thương hiệu” của Poodle cần được bạn chăm sóc hằng ngày đấy. Với đặc tính xoăn, nhanh dài và không rụng, nếu không biết cách chăm sóc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Mỗi ngày bạn nên dành thời gian chải lông cho Poodle để giữ được độ xoăn, phồng và trông gọn gàng hơn. Hơn nữa lông Poodle mọc dài nhanh, cần phải cắt tỉa thường xuyên. Bạn có thể tự cắt tại nhà hoặc mang em ấy đến spa chăm sóc. Nghe có vẻ tốn kém nhưng bù lại em Poodle sẽ có vẻ ngoài thời thượng.
Xem thêm: Tỉa lông cho chó Poodle cần lưu ý gì?
Việc tắm cho Poodle cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, bạn nên nhớ sau khi tắm, lông của Poodle cần giữ sạch và khô. Nếu không thì Poodle sẽ bị nấm da, xuất hiện các vảy gàu trắng. Hãy giúp em ấy phơi nắng sáng sớm và chiều tối, nếu không thì hãy sấy lông cho bé nhé. Nhưng chỉ ở nhiệt độ thấp thôi, không được để Poodle đi ngủ khi lông còn ẩm.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho Poodle
Điều cần quan tâm nhất khi nuôi một chú chó là chế độ dinh dưỡng phù hợp. Có như vậy thì cún yêu nhà bạn mới có thể phát triển khỏe mạnh. Với Poodle làm thế nào để chia khẩu phần ăn đúng, đủ và hợp lý. Dưới đây là lời khuyên Petwiki dành cho bạn:
Lựa chọn thức ăn cho chó Poodle
Poodle rất tinh nghịch và hay vận động, nên chúng ta cần bổ sung cho bé nhiều protein, chất béo và tinh bột. Khẩu phần ăn hằng ngày rơi vào khoảng 250 calo, trong đó:

- Protein: Poodle cần một lượng lớn đạm trong bữa ăn hằng ngày, chiếm 50% khẩu phần. Tương đương 170g ức gà hay 85g cá hồi trong bữa ăn hằng ngày.
- Tinh bột: Rau củ, hoa quả, gạo lức, khoai tây hay bột yến mạch đều là có thể cung cấp tinh bột, vitamin và chất xơ cho Poodle. Tuy nhiên tinh bột chỉ nên chiếm 25% khẩu phần ăn hằng ngày. Tương đương khoảng 85g khoai tây, hay 55g gạo, hay 40g bột yến mạch.
- Chất béo có lợi: giúp chống viêm, giúp hệ miễn dịch tốt, tăng hoạt động não bộ và tránh bệnh về da. Bao gồm dầu cá, dầu dừa,..
- Vitamin và khoáng chất: Những chất nào bổ sung khoáng chất giúp kích thích hệ tiêu hóa và quá trình trao đổi chất cho Poodle
Poodle cần chính xác bao nhiêu lượng thức ăn mỗi ngày?

Poodle từ 2-4 tháng tuổi: Poodle ở giai đoạn này có thể ăn được cháo xay nhuyễn, cháo loãng hoặc thức ăn hạt ngâm mềm. Có thể bổ sung sữa vào các bữa ăn nhưng phải là sữa ấm. Poodle 2-4 tháng tuổi cần được ăn nhiều bữa nhỏ đều nhau, thường là 5 bữa/ ngày.
Poodle từ 4-6 tháng tuổi: Poodle có thể ăn cơm trộn với thịt gà, cá, … bé có thể ăn thức ăn hạt và không cần ngâm quá mềm. Từ giai đoạn này Poodle có thể ăn 4 bữa mỗi ngày, có thể bổ sung sữa ấm xen kẽ.
Poodle từ 6 tháng tuổi trở lên: Ở giai đoạn này, Poodle đã trưởng thành, trong bữa ăn cần đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Mỗi ngày Poodle sẽ ăn 3 bữa, đặc biệt bổ sung nhiều protein từ trứng, sữa, để bé có lông chắc khỏe.
Những lưu ý khi cho Poodle ăn
- Sữa rất tốt cho Poodle, nhưng khi bé đã ăn được thức ăn đặc thì sữa chỉ là bữa phụ. Nếu cho uống quá nhiều Poodle sẽ bị đau bụng, tốt nhất là cho uống 1 lần/ ngày.
- Nước uống cũng giống như thức ăn, cần được thay mới và luôn có sẵn trong khay. Hạn chế để bụi bẩn rơi vào, ảnh hưởng sức khỏe Poodle
- Vệ sinh khay, bát ăn mỗi khi ăn xong để đảm bảo không có vi khuẩn sinh sôi. Không nên cho Poodle ăn thức ăn còn thừa hoặc chưa nấu chín.
- Khi đến giai đoạn đổi thức ăn, làm sao để Poodle quen với thức ăn mới? Bạn nên tăng dần tỉ lệ thức ăn mới cho bé từ 20%, đến 50%, rồi sau đó là 100%. Điều này giúp Poodle quen dần với thức ăn và bạn cũng biết được sở thích của em ấy để thay đổi phù hợp.
Huấn luyện chó Poodle ngay khi còn nhỏ
Bất kể giống chó nào khi huấn luyện cũng sẽ dễ hơn khi chúng còn nhỏ. Đặc biệt khi Poodle mới về nhà bạn, hãy chỉ cho em ấy biết nơi nào được phép ra vào và nơi nào không. Hãy nhớ đóng cửa nhà kho, nơi cất đồ để tránh những lúc Poodle tò mò bước vào cắn phá.
Xem thêm: Huấn luyện chó Poodle các lệnh cơ bản chi tiết nhất

Những khu vực như phòng ngủ, nhà bếp, nơi nguy hiểm,.. cần chỉ rõ để Poodle nhận thức được. Hãy cho em ấy biết khu vực của mình, nơi đi vệ sinh, nơi vui chơi,… Poodle rất thông minh và có thể hiểu nhanh các “nội quy” trong nhà mà bạn đặt ra.
Chăm sóc Poodle sinh sản
Bạn biết đấy, việc chăm sóc chó sinh sản không hề đơn giản và đôi khi gây căng thẳng cho cả chủ và chó. Thế nên hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định nuôi chó cái nhé. Để chó Poodle con được khỏe mạnh cần sự phối hợp giữa Poodle mẹ và chủ nuôi.
Xem thêm: 3 điều cơ bản chăm sóc chó Poodle con mới sinh

Bạn cần tìm hiểu về quá trình sinh sản của Poodle từ khi phối giống cho đến lúc sinh con. Trong mỗi giai đoạn luôn cần phải chuẩn bị thật kỹ càng.
Một số giống chó Poodle lai nổi tiếng
- Saint Berdoodle: Hãy tưởng tượng sự vĩ đại về kích thước của một chú chó Saint Bernard và những lọn tóc xoăn của một em Poodle – đó là những gì của một chú chó Saint Berdoodle! Những con chó này to lớn và thoải mái để âu yếm, đồng thời cũng thanh lịch và thông minh.
- Cockapoo: sự pha trộn tuyệt vời giữa Poodle và Cocker Spaniel! Những chú chó con này rất vui nhộn, có kích thước nhỏ, dễ huấn luyện và hoàn hảo để trở thành bạn của bạn.
- Schnoodle khổng lồ: sự pha trộn của một Poodle và Schnauzer khổng lồ. Mang đến một phong cách tuyệt vời và cá tính, người bạn này là một đối tác năng động và đáng yêu!
- Golden Doodle: Cả Golden Retriever và Poodles đều là những giống chó tuyệt vời với những đặc điểm đáng kinh ngạc. Nếu bạn kết hợp chúng với nhau, bạn sẽ có kết quả là GoldenDoodle – một giống chó có kích thước lớn sở hữu những lọn tóc gợn sóng và chiếc mũi đen nhọn của Poodle cùng bộ lông màu vàng và đôi tai cụp thuộc giống Retriever.
- Labradoodle: Labradoodle là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính cách yêu đời, tâm trạng vui vẻ, tâm hồn vui tươi, trí thông minh và bộ lông xoăn tít mà Labradors và Poodles có.
- Yorkipoo: Yorkie Poos là một giống chó nổi tiếng với tính cách dịu dàng. Những anh chàng này là hoàn hảo cho những người yêu chó bị dị ứng. Chúng là những con vật cưng có kích thước nhỏ nhưng có tính cách tuyệt vời và có vô số tình yêu thương.

Bệnh thường gặp và cách phòng bệnh
Ngoài việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng thì bạn cũng nên đưa Poodle đến gặp bác sĩ thú y định kỳ. Không những hạn chế được những bệnh thường gặp ở chó. Mà bác sĩ còn giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp Poodle luôn khỏe.
Các bệnh thường gặp ở Poodle
Poodle hay mắc bệnh nào về xương khớp?
- Loạn sản hông: đây là căn bệnh khiến cho các khớp xương hông bị lệch, phát triển không đúng hướng. Về lâu dài Poodle sẽ di chuyển có phần khó khăn và khập khiễng. Cần phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời.
- Sai khớp xương bánh chè: bệnh này thường xuất hiện ở dòng Miniature và Toy Poodle. Hội chứng sai khớp xương bánh chè sẽ di truyền sang chó con nên cũng cần phẫu thuật sớm.
Những vấn đề về mắt cần lưu ý
- Teo võng mạc: bị teo võng mạc có thể khiến Poodle bị mù, thời gian phát triển bệnh là 3 năm. Dòng Mini và Toy là 2 dòng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn các dòng khác.
- Tiêu giảm dây thần kinh thị giác: bệnh này khiến mắt của Poodle không thể nhìn thấy. Về già sẽ phát triển thành đục thủy tinh thể, có thể can thiệp bằng phẫu thuật cắt bỏ.

Những bệnh liên quan đến nội tiết
- Bệnh Addison: chó Poodle gặp bệnh này có biểu hiện yếu hoặc bị nôn thường xuyên. Nếu nặng có thể gặp các vấn đề về tim hoặc bị choáng. Nếu cún yêu của bạn được chẩn đoán mắc bệnh Addison, bác sĩ cần phải thay hooc-mon cho chúng.
- Suy giáp: hay còn gọi là suy giảm hoocmon tuyến giáp. Poodle xuất hiện các triệu chứng đói liên tục, viêm da, đờ đẫn.
- Suy nhược khí quản: biểu hiện là ho, khó thở hay thở khò khè, cần liên hệ bác sĩ gấp. Một cách để hạn chế bệnh là không dùng dây xích vòng cổ để tránh tác động phần khí quản.
Một số lưu ý về phòng bệnh cho Poodle
Tẩy giun cho chó định kỳ
Tẩy giun định kỳ cho Poodle rất quan trọng cho hệ tiêu hóa. Khi bé dưới 6 tháng tuổi thì tẩy giun định kỳ 1 tháng/1 lần. Và khi Poodle đã lớn, từ tháng thứ 6 thì cứ cách 3 tháng sẽ tẩy giun 1 lần. Có 2 loại thuốc tẩy giun khuyên dùng là Zantel hoặc Drontal.
Tiêm vacxin phòng bệnh cho Poodle

Tiêm phòng đầy đủ từ khi Poodle còn nhỏ sẽ hạn chế được tối đa các bệnh nặng. Bạn nên tiêm phòng theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể tiêm mũi phòng 5 bệnh, hay 7 bệnh. Chi phí tiêm phòng cũng không quá đắt, bạn có thể liên hệ bác sĩ thú y gần nhất để được tư vấn nhé.
Phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi
Poodle rất nhạy cảm với thời tiết và dễ bị cảm lạnh. Để phòng tránh bệnh, hãy giữ ấm cho em ấy mỗi khi giao mùa hay trời trở lạnh nhé. Nếu vào mùa hè thì bạn có thể bật điều hòa nhưng tốt nhất là khoảng 28 độ. Nếu quá chênh lệch với nhiệt độ phòng sẽ làm Poodle bị sốc nhiệt đấy.
Giá chó Poodle phụ thuộc vào các yếu tố nào?
Theo khảo sát, Petwiki nhận thấy Poodle đang thật sự trở thành cơn sốt. Nhưng giá của các em ấy cũng không quá đắt, thuộc dạng tầm trung. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo giá từ các cửa hàng uy tín.
Tuy nhiên, trên thị trường sẽ có rất nhiều mức giá cho một em Poodle. Yếu tố quan trọng quyết định giá cả là về nguồn gốc của các em ấy. Bạn có thể tham khảo dưới đây:

- Poodle sinh ra ở Việt Nam có giá từ 5 – 7 triệu đồng
- Poodle được nhập từ Thái Lan có giá từ 14 – 16 triệu đồng
- Poodle có xuất xứ từ Trung Quốc: 2 – 4 triệu
- Poodle có nguồn gốc từ Châu Âu: 60 – 80 triệu đồng
Bên cạnh đó thì giá cả Poodle còn phụ thuộc vào dòng nào? màu lông có thuộc dạng hiếm hay không? Nhưng nhìn chung thì giá của các em Poodle thuần chủng sẽ không dưới 5 triệu đồng.
Vậy là chúng ta đã lần lượt điểm qua các thông tin về giống chó Poodle. Hy vọng qua bài viết này Petwiki đã giúp ích cho bạn trong việc lựa chọn và chăm sóc chó Poodle. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc thì đừng quên để lại lời nhắn nhé, chúng mình sẽ phản hồi sớm nhất có thể.