spot_img

Chó Chow Chow – giống chó “sư tử xù” đáng yêu hết nấc

Giống chó Chow Chow nổi tiếng hay còn được gọi với cái tên đáng yêu khác là “chó sư tử”. Chow Chow chắc hẳn là cái tên quá quen thuộc, không còn xa lạ gì đối với cộng đồng những người yêu thú cảnh.

Trên thực tế, giống chó Chow Chow được nhiều người ưa chuộng và tìm mọi cách để “săn lùng”, bởi chú ta sở hữu vẻ ngoài rất đáng yêu, dễ thương theo kiểu độc – lạ, cộng hưởng với sự thông minh, nhanh nhạy. Vì vậy, không khó hiểu khi giống chó sư tử ngày càng chiếm được thiện cảm của rất nhiều người.

Nhiều người tin rằng loài chó Chow Chow là một trong những giống chó bản địa, được chọn làm hình mẫu cho tượng đá nghê, với mục đích trấn giữ phía trước nơi cửa chùa Phật giáo và cung đình. Chow Chow cũng là một trong số ít các giống chó cổ xưa vẫn còn tồn tại đến thời điểm ngày nay. Nếu bạn yêu quý chó sư tử và có ý định chọn nuôi Chow, chắc hẳn bạn phải cập nhật những thông tin tổng quan về giống chó này. Nào, hãy cùng Petwiki khám phá top 8 sự thật về bé Chow đáng yêu này nhé!

Thông tin sơ lược

Tên gọiChow Chow, Chow, chó sư tử, tông sư khuyển
Nguồn gốcTrung Quốc
Chiều cao45 – 56cm
Cân nặng20 – 32kg
Màu lôngMàu kem, đen, nâu đỏ, trắng
Tính cáchTrung thành, thông minh, tình cảm, cảnh giác
Tuổi thọCó thể lên tới 15 năm
Thời gian mang thai60 – 68 ngày
Giá10 – trên 15 triệu đồng

Nguồn gốc chó Chow Chow

Chow là giống cảnh khuyển có nguồn gốc lịch sử từ Trung Quốc, có tài liệu ghi chép lại rằng loài chó này đã xuất hiện từ thời nhà Đường. Người Trung tin rằng, Chow Chow đáng yêu là biểu tượng thể hiện sự may mắn và ôn hoà, chính vì thế mà bạn sẽ thường bắt gặp có rất nhiều bức tượng của chó sư tử đặt ở trước cửa chùa, hay cửa cung đình.

Nguồn gốc chó Chow Chow
Nguồn gốc chó Chow Chow

Ngay từ thời xa xưa, giống chó Chow Chow đã được sử dụng phục vụ cho các công việc như: canh gác, kéo xe hay săn bắn, săn sói, chồn, gà lôi và một số loài động vật khác. Từ suốt bao đời nay giống chó này luôn đóng vai trò là một chó làm việc, một chàng “cảnh vệ”, canh gác và không giống như những giống chó khác, chú ta tuyệt nhiên sẽ không được hưởng cuộc sống xa hoa. Nên từ xa xưa, Chow Chow được đánh giá là giống chó bình dân, được sử dụng với mục đích trông nhà, săn bắn, hay kéo xe trượt tuyết,…

Điều gây bất ngờ đó là chó Chow Chow sở hữu ngoại hình rất giống với hình mẫu của chó đá hoá thạch từ hàng triệu năm trước. Loài chó sư tử này lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh vào năm 1800. Và chính từ việc người Anh gọi tất cả các loài động vật lạ đưa vào từ miền viễn Đông, tên gọi Chow chow từ đó cũng bắt đầu phổ cập.

Năm 1880, lần đầu tiên những chú chó Katon – chính là một số cá thể dòng lông ngắn của giống chó Chow Chow được đưa về Anh quốc. Thông qua công cuộc lai tạo khó nhằn, cùng với quá trình lựa chọn nghiêm ngặt song hành cùng các giống chó lông dài bản địa, Chow Chow tại thời điểm đó đã trở thành một giống chó thượng lưu. Chow Chow là chó cưng của nữ hoàng Victoria và các sau này là nữ hoàng Elizabeth.

Loài chó Chow Chow nổi tiếng đến mức độ nào?

Trong suốt giai đoạn 1920 – 1930, Chow Chow là giống chó cực kỳ phổ biến ở Mỹ và Châu Âu. Loài chó Chow Chow là chó cưng của Nữ hoàng Victoria, ngoài ra anh bạn còn được biết đến với danh xưng là thú cưng yêu thích của tổng thống Mỹ – Calvin Coolidge. Ông và người vợ tên Grace Goodhue cùng nuôi 2 chú chó Chow, Blackberry với màu đen đặc trưng và một chú chó mang màu đỏ tên là Timmy.

Sigmund Freund – nhà sáng lập ra phân tâm học, cũng là bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Áo cũng sở hữu một chú chó sư tử mang tên Jo – Fi. Jo – Fi đã giúp ông hoàn thành tốt nhất các buổi trị liệu, bởi ông ấy tin rằng nhờ vào ý thức đặc biệt của Chow Chow, chúng có thể đánh giá chính xác trạng thái tâm trí của bệnh nhân. Sigmund từng nói rằng ông luôn dựa vào phản ứng của Chow để đưa ra đánh giá về tình trạng tinh thần của các bệnh nhân.

Bên cạnh đó, vợ của ông Lillian – chủ hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Walt Disney, cũng trở thành một “fan” chính hiệu của giống chó Chow Chow. Nhân dịp Giáng sinh, người chồng đã tặng vợ mình một chú chó sư tử mang tên Sunnee. Không dừng lại ở đó, ông từng nhiều lần đưa hình ảnh của Chow vào các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng. Quả là thú vị đúng không nhỉ?

Ngoài ra, còn có một câu chuyện thú vị về anh bạn Chow chow mà mình muốn đề cập đến. Nữ hoàng Victoria từng nuôi một Chow chow trong cung điện của mình, cô yêu thích chú đến nỗi thường xuyên dắt chú đi khắp nơi, thậm chí trong các cuộc họp chính trị.

Người thân của cô đã cho rằng một Nữ hoàng không thích hợp khi mang theo một chú chó bên mình. Vì lý do này mà một người thợ may đã tạo ra một phiên bản nhồi bông giống hệt Chow Chow để thay thế phù hợp. Nữ hoàng đã đồng ý mang một chú gấu nhồi bông thay cho Chow yêu quý. Chú gấu nhồi bông này cũng có thể được biết đến đầu tiên trên thế giới. 

Đặc điểm ngoại hình của giống chó Chow Chow

Ngoại hình chó sư tử
Ngoại hình chó sư tử

Giống như một số loài gấu vùng Tây Tạng, chó Chow Chow sở hữu một thân hình hơi tròn trịa. Có thể điểm qua các đặc điểm nổi bật của Chow thuần chủng như sau: Đầu của chó sư tử to tròn, chân ngắn và to, khiến chúng ta cảm thấy rằng  mỗi khi chúng di chuyển, sẽ hơi thô.

Bởi chiều dài và chiều cao xấp xỉ bằng nhau nên thân cún nhìn hệt như hình vuông. Chiều cao của một bé Chow Chow trưởng thành dao động từ 45 – 56cm, trọng lượng đạt từ 20 – 32kg. Lưỡi của giống chó Chow Chow nhỏ thường sẽ mang màu xanh đen, trong khi phần tai tròn và nhỏ bị che mất bởi bộ lông. Đuôi của chúng có độ dài vừa phải, mọc nhiều lông và luôn vắt lên lưng.

Bên cạnh đó, điểm đặc trưng nhất của chó Chow Chow là ở bộ lông dày và mượt. Một số màu lông phổ biến nhất là: Màu kem, đen, nâu đỏ, trắng… Trong đó, bộ lông màu kem được cho là nổi tiếng hơn cả. Đặc biệt, lông của Chow chỉ có một màu duy nhất chứ không trộn lẫn nhiều màu sắc khác nhau. Cái tên “chó sư tử” của Chow cũng bắt nguồn từ việc em cún này có cái bờm rất lớn, hệt như những chú sư tử.

Độc – lạ ở chiếc bờm đã làm nên “thương hiệu” của em cún Chow Chow. Điểm trừ từ bộ lông của giống chó Chow Chow là dày và rậm, bạn sẽ tốn kha khá thời gian để chăm sóc lông cho em cún này. Ngoài ra, lông Chow rất dễ rụng, theo mùa hoặc thậm chí rụng quanh năm. Thường thì những bé cún lông ngắn sẽ dễ chăm sóc hơn so với những bé cún lông dài.

Tính cách nổi bật của chó chó sư tử

Giống chó Chow Chow đáng yêu sống rất tình cảm, thích được gắn bó mật thiết và làm mọi thứ để nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chủ nhân. Tận dụng điều này và thể hiện bằng những hành động cụ thể, chắc chắn Chow sẽ rất thích, đồng thời trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Trái ngược với đó, nếu bạn không dành thời gian, bỏ bê không chăm sóc cho cún cưng thì Chow hầu như sẽ trở nên lì lợm, cứng đầu, thậm chí cắn phá đồ đạc trong nhà.

Loài chó sư tử nổi bật với sự trung thành tuyệt đối, chúng có thể chống trả quyết liệt đối với những ai làm hại chủ nhân và dường như cuộc sống của chúng hoàn toàn bị phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhân. Vì thế không khó hiểu khi nói rằng phương pháp nuôi dạy, huấn luyện của bạn sẽ tác động rất lớn đến tính cách sau này của Chow. Em chó Chow Chow cực kỳ cảnh giác với người lạ, nhiều người còn nói đùa rằng trông Chow Chow cứ “chảnh” thế nào ấy nhỉ! Trên thực tế, không phải ai cũng làm quen được với em cún này. 

Tính cách chó Chow Chow
Tính cách chó Chow Chow

Bản chất của những chú chó sư tử đến từ Trung Quốc này cũng rất gan góc, mạnh mẽ, pha lẫn chút lì lợm, do đó, Chow Chow khá phù hợp với những người có cá tính mạnh mẽ, năng động. Đôi lúc bạn cảm thấy chúng rất đáng yêu, lại có lúc bạn cảm thấy rất tức giận vì chúng tỏ ra bướng bỉnh với bạn.

Chow là giống chó thông minh, yêu thích khám phá những điều mới mẻ, tuy nhiên việc huấn luyện Chow ngược lại khá vất vả. Vậy nên, để có thể huấn luyện được cún cưng nhà bạn, hãy cố gắng kiên trì và hết lòng với bé cún của mình bạn nhé!

Trái ngược với vẻ đáng yêu của Chow Chow, chú ta rất thích bắt nạt các con vật nuôi khác trong căn nhà. Bạn nên bắt đầu hành trình huấn luyện những chú chó Chow Chow từ lúc 2 tháng tuổi, để em ấy có thể hòa nhập với gia đình, vật nuôi của mình.

Sức khỏe của chó Chow Chow

Sức khỏe Chow Chow
Sức khỏe Chow Chow

Chow Chow được đánh giá là giống chó có sức khỏe tốt, vì thế tuổi thọ của em ấy có thể lên tới 15 năm. Nếu được chăm sóc trong điều kiện tốt, chó Chow Chow có thể sống thêm được từ 2 – 3 năm nữa. Dù Chow Chow có sức khỏe tốt nhưng bạn cũng không nên chủ quan trong vấn đề chăm sóc mọi mặt cho em ấy.

Tuy khỏe mạnh nhưng chó sư tử vẫn mắc phải một số căn bệnh như:  Xoắn dạ dày, sưng ngứa mắt, hoặc quặm mi mắt,…Vậy nên, để có thể phòng tránh những bệnh trên, hãy tẩy giun sán, tiêm phòng bệnh theo các giai đoạn cụ thể. Nếu như Chow Chow có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đưa cún đến cơ sở thú y để được khám và điều trị sớm nhất nhé!

Nuôi chó sư tử cần lưu ý những vấn đề gì?

Khi nuôi chó Chow Chow cần lưu ý đến những vấn đề gì? Môi trường sống, chế độ dinh dưỡng theo từng độ tuổi, vệ sinh như thế nào là hợp lý, hiệu quả nhất? Hãy cùng mình tìm hiểu dưới đây nhé!

Môi trường sống

Chow Chow không thích sống chung cùng với các vật nuôi nhỏ bé khác, bằng chứng là chúng sẵn sàng thể hiện sức mạnh của mình, “bắt nạt” những con vật trong căn nhà. Em chó sư tử không thích ở mãi trong nhà của mình, chú ta sẽ tỏ ra không thoải mái, dễ dàng cắn phá đồ đạc xung quanh nhà. Cộng vào đó, giống Chow này khá lười biếng, nếu không có người thúc dục thì chắc có lẽ chú ta cũng sẽ không chịu vận động. Mà nếu không vận động thì cún cưng nhà bạn rất có thể mắc căn bệnh béo phì. 

Môi trường sống của Chow
Môi trường sống của Chow

Hãy thay đổi điều đó bằng cách dành thời gian dắt chúng đi dạo ở ngoài, để thỏa sức chơi đùa với thiên nhiên, cũng như thay đổi không gian sống cho Chow Chow. Chow Chow khá nhạy cảm với thời tiết nóng bức, vì thế vào mùa hè hãy tỉa lông để cún cưng trở nên gọn gàng, chú ta cảm thấy mát mẻ , thoải mái hơn nhé!

Bên cạnh đó, để nâng cao sức khỏe, để Chow nhà bạn phát triển toàn diện, bạn nên chuẩn bị những bài tập thể dục, song song với một lịch trình rèn luyện sức khỏe dành cho cún cưng. 

Chế độ dinh dưỡng

Để đảm bảo chó Chow Chow có một sức khỏe tốt, được phát triển toàn diện, hãy chuẩn bị một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý dành cho cún cưng. Tùy vào từng độ tuổi cụ thể của cún mà sẽ có những khẩu phần ăn khác nhau.

Chế độ dinh dưỡng chó Chow Chow
Chế độ dinh dưỡng chó Chow Chow

Chow Chow dưới 2 tháng tuổi

Những chú chó Chow Chow nhỏ tuổi, còn chưa cứng cáp, bạn cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe của chúng. Không nên cho cún ăn những đồ ăn cứng, hay sống, thay vào đó bạn chỉ nên cho chó sư tử ăn cháo thịt xay nhuyễn, kết hợp với sữa ấm.

Nếu sử dụng thức ăn khô, bạn cần đảm bảo nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, chọn mua ở nơi uy tín, chất lượng và hầu hết trước khi cho cún ăn, bạn nên ngâm mềm thức ăn khô với nước, để em ấy có thể dễ tiêu hóa hơn. Ngoài ra, bạn phải chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, dao động từ 4 – 5 bữa/ngày. Lưu ý, không nên cho Chow ăn quá no một bữa.

Chow Chow từ 3 – 6 tháng tuổi

Trong giai đoạn từ 3 – 6 tháng tuổi, thực đơn của Chow sẽ cần có sự đa dạng, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho giống chó Chow Chow. Trong mỗi bữa ăn của cún cưng, bạn nên bổ sung thêm trứng, thịt, tôm, cũng như các loại rau củ…Các loại thực phẩm này cần được nấu chín sau đó mới cho Chow ăn, bởi hệ tiêu hóa của cún con ở giai đoạn này vẫn chưa thực sự ổn định, cho nên khi ăn thực phẩm tươi sống có thể sẽ khiến cún cưng nhà bạn bị tiêu chảy.

Giai đoạn từ 5 – 6 tháng, cơ thể của Chow Chow diễn ra nhiều thay đổi, các hệ cơ bắp, xương khớp bắt đầu phát triển hơn. Vì thế, bạn nên tăng lượng thức ăn trong mỗi bữa, giảm số bữa ăn còn từ 3 – 4 lần/ngày là ổn.

Chow Chow trên 6 tháng tuổi

Giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở lên, hãy cung cấp thật nhiều các chất dinh dưỡng như: vitamin, protein, canxi và đạm cho Chow, thông qua các loại thực phẩm: tinh bột, thịt, trứng, rau củ,…Một mẹo nhỏ để bộ lông của Chow bóng mượt hơn là hãy cho cún nhà bạn ăn rau củ nhé! Hãy điều chỉnh khẩu phần ăn, bữa ăn từ 2 – 3 lần là đủ.

Vấn đề vệ sinh

Chow Chow sở hữu một bộ lông dày và dài, thậm chí vào những lúc giao mùa, lông của chúng sẽ rụng rất nhiều. Vì thế, bạn có thể sẽ tốn kha khá thời gian để vệ sinh cho Chow Chow đấy!

Hãy đảm bảo việc chải lông cho cún diễn ra đều đặn từ 2 – 3 lần/ngày, kiểm tra các bộ phận tai, mũi, mắt…bởi những bộ phận này bị lông che khuất, rất dễ trở thành nơi cư trú của vi khuẩn.

Duy trì việc tắm rửa cho chó Chow Chow 2 tuần/lần, sử dụng những loại sữa tắm dành riêng cho chó mèo, vòi nước để xả sạch bụi bẩn, thoa sữa tắm và massage khắp cơ thể của cún để chú ta cảm thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, sau khi tắm cho Chow xong, nếu để lông ướt quá lâu, chúng có thể mắc phải những bệnh về da, do đó hãy sấy khô bộ lông cho cún cưng nhé!

Huấn luyện chó sư tử như thế nào là hiệu quả nhất?

Thừa hưởng từ những chú chó cổ xưa, giống chó Chow Chow sở hữu trí thông minh, nhanh nhạy và một chút kiêu hãnh. Quá trình huấn luyện chúng diễn ra có thể hơi vất vả, nó đòi hỏi sự chính xác và kiên trì. Để cún cưng của mình ngoan ngoãn và nghe lời hơn, bạn có thể ghi lại một vài lưu ý đặc biệt sau:

Huấn luyện chó sư tử
Huấn luyện chó sư tử
  • Hãy đặt một cái tên đáng yêu, gần gũi để gọi cún cưng nhà bạn mỗi khi tập luyện. Chính điều này sẽ có tác động lớn đến việc rèn luyện sự phản xạ mỗi khi có người kêu tên chúng.
  • Hãy dành khoảng 15 – 20 phút mỗi buổi sáng hoặc chiều để đưa Chow nhà bạn đi dạo cùng với mình, nó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp mối quan hệ giữa bạn và cún cưng trở lên thân thiết hơn.
  • Chow Chow đôi khi sẽ tỏ ra cứng đầu, không làm theo mệnh lệnh của bạn, dù mệt mỏi và tức giận nhưng bạn cũng không nên dùng những hình phạt về thể xác, mà thay vào đó là để chúng hiểu được cảm xúc không hài lòng của bạn, đòi hỏi chú ta phải tự thay đổi để làm vui lòng.
  • Những bài tập luyện phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp theo thứ tự từ dễ như: đi, đứng, nằm, ngồi,… đến khó. Sau khi chó sư tử đã thuần thục, bạn có thể chuyển sang những bài tập khác với yêu cầu cao hơn.

Chow Chow sinh sản và những vấn đề liên quan

Hãy cùng mình tìm hiểu những thông tin đặc biệt liên quan đến vấn đề sinh sản của chó Chow Chow, nên chăm sóc chó mẹ mang thai, khi sinh, sau sinh như thế nào là tốt nhất, đảm bảo cả chó mẹ và chó con đều khỏe mạnh, phát triển ổn định?

Chó Chow Chow sinh sản
Chó Chow Chow sinh sản

Chăm sóc chó mẹ mang thai

Thời gian Chow Chow mẹ mang thai hầu như sẽ không có biểu hiện gì. Nhưng sau khoảng thời gian phối giống được 2 tuần, bạn có thể đưa chó mẹ đến bác sĩ thú y để kiểm tra. Sau 1 tháng, bạn có thể nhìn thấy các triệu chứng này rõ ràng hơn như: tăng cân, bụng to lên, bầu vú bắt đầu phát triển,…

Nếu như xác định chó mẹ Chow Chow đã mang thai, hãy chuẩn bị một chế độ dinh dưỡng đảm bảo cho cả chó mẹ lẫn chó con. Có thể tăng thêm lượng thịt nạc, thịt bò, các loại cá, nội tạng động vật, trứng gà và sữa tươi trong mỗi bữa ăn của chó mẹ nhé!

Khi chó sư tử mẹ gần đến ngày sinh, hãy dắt Chow ra ngoài đi dạo để chó mẹ dễ sinh hơn, nhưng hãy hạn chế, không cho cún chạy nhảy quá nhiều, bởi nó có thể tác động đến đứa con trong bụng của cún.

Thời gian mang thai trung bình của chó mẹ Chow Chow diễn ra từ 60 – 65 ngày thậm chí kéo dài đến 68 ngày. Bạn nên lưu lại ngày phối giống để dự kiến ngày sinh đúng chuẩn nhất. Từ đó, bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng ổ đẻ và dụng cụ thiết yếu khi cún mẹ trở dạ.

Chăm sóc chó mẹ khi sinh

Làm thế nào để dự đoán ngày sinh đúng nhất? Có dấu hiệu nào xuất hiện hay không? Đọc ngay dưới đây nhé!

Dự đoán ngày sinh

Việc dự đoán ngày sinh của chó Chow Chow mẹ trọn có thể dựa theo 3 cách sau:

  • Cách 1: Căn cứ vào thời điểm cho phối giống để ước tính.
  • Cách 2: Siêu âm để dự đoán ngày sinh cho chính xác nhất.
  • Cách 3: Dựa theo độ to của bụng: Chow Chow bụng nhỏ thì số lượng con sẽ ít, thời gian mang thai dài hơn bình thường và ngược lại.

Dấu hiệu

Trước khi trở dạ từ 2 – 4 giờ, Chow Chow mẹ thể hiện những triệu chứng rõ ràng như : Đi lòng vòng đánh hơi dò chỗ đẻ, thở dốc, khó nhọc,rên rỉ, lộ vẻ buồn bã, thai trong bụng động đậy, có tín hiệu di dời xuống bên dưới. Thời điểm này bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng ổ đẻ cho cún.

Vị trí đặt ổ đẻ phải thoáng đãng, thoải mái, sạch sẽ, không có gió lùa. Lấy khăn sạch xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau hoặc sử dụng những lớp giấy báo, chuẩn bị thêm chút nước ấm, cồn khử trùng, vải bông, kéo,…Để đề phòng chó mẹ khó sinh, bạn nên gọi trước cho bác sĩ thú y.

Chăm sóc Chow Chow sau sinh

Bạn nên xây dựng 1 khẩu phần ăn dinh dưỡng theo từng tiến trình của chó mẹ. Trong 2 – 3 ngày đầu, hãy cho Chow Chow ăn cháo thịt bằm và uống sữa ấm. Những ngày tiếp theo, có thể cho chó ăn mẹ ăn như thông thường, nhưng cần phải bổ trợ thêm những thực phẩm chứa nhiều canxi như: Xương ống bò, cổ gà, vịt,…

Đối với những bé Chow Chow mới sinh, cần phải bú sữa mẹ trong suốt 2 tháng đầu. Chỉ nên tách đàn khi cún con đủ 2 tháng tuổi, bởi việc tách đàn quá sớm có thể khiến cho chúng trở nên nhút nhát, ốm yếu, gặp bệnh tật. 

Có nên hỗ trợ chó mẹ sinh không?

Có nên hỗ trợ chó mẹ sinh hay không? Câu trả lời là: Bạn nên để chó Chow Chow mẹ sinh một cách thoải mái và tự nhiên nhất.Trừ trường hợp chó mẹ bị khó sinh, ngoài ra thì toàn bộ quá trình sinh đẻ, bạn không nên can thiệp vào. Thay vào đó, bạn chỉ cần ở bên ngoài quan sát, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, nếu có trường hợp xấu xảy ra thì hẵng can thiệp.

Trong quá trình sinh con, chó mẹ sẽ trở nên hung dữ thất thường, thậm chí chúng có thể tấn công bất kỳ ai chạm vào chúng. Vì thế, tuyệt đối không nên ngồi cạnh vuốt ve hay xoa bóp. 

Cắt dây rốn cho chó con Chow Chow

Sau khi Chow Chow mẹ sinh xong, chúng sẽ tự gặm dây rốn và liếm sạch người cho cún con. Trong trường hợp chó mẹ không thực hiện, bạn nên sử dụng kéo đã tiệt trùng và chỉ y tế để cắt dây rốn cho cún con. Một vài lưu ý đặc biệt trong quá trình cắt dây rốn cho cún con như sau:

  • Kéo phải được tiệt trùng để đảm bảo an toàn không bị nhiễm khuẩn uốn ván.
  • Xác định điểm cắt dây rốn cho cún con, cách da bụng 1cm. Sau đó, bạn lấy chỉ thắt lại và dùng kéo cắt. Tuyệt đối không nên cắt quá sát da bụng.

Có nên cho chó mẹ ăn nhau thai

Ăn nhau thai chính là phản xạ tự nhiên của chó mẹ và trên thực tế chúng không gây hại gì cả. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho chó mẹ ăn từ 1 – 2 nhau thai mà thôi, bởi ăn quá nhiều nhau thai sẽ khiến Chow Chow mẹ bị khó tiêu sau sinh. 

Dấu hiệu chó mẹ khó sinh

  • Cún mẹ rặn liên tiếp nhưng không ra. Từ lúc trở dạ 2 – 3 tiếng mà cún con đầu tiên chưa chào đời thì bạn nên có phương pháp can thiệp vào quá trình sinh sản của chó mẹ.
  • Cún mẹ bị vỡ ối, thai có dấu hiệu ra nhưng bị kẹt ở phía dưới.
  • Xương chậu quá nhỏ, chú chó nhà bạn không thể đẻ thoải mái và tự nhiên. Để biết được tình trạng này, bạn cần đưa chó mẹ đến bác sĩ thú y.

“Phôi thai ngược” là gì? Có nguy hiểm hay không?

Phôi thai ngược ở chó sư tử có thể hiểu là tư thế khi chào đời của cún con, thông thường đầu và 2 chân trước sẽ ra trước, 2 chân sau và phần đuôi sẽ ra cuối. Nhưng khi cún con bị “phôi thai ngược”, bé sẽ sinh ra theo hướng:

  • Ra hai chi trước nhưng phần đầu không thể ra nổi.
  • Phôi thai nằm chếch hướng, chỉ ra được 1 hoặc 2 chi trước.
  • Phần đuôi ra trước rồi mới tới đầu, đây là tư thế này khá nguy hiểm, có thể khiến chó con bị ngạt thở.
  • Nếu gặp trường hợp “phôi thai ngược”, bạn phải kéo thai ra phía bên ngoài càng nhanh càng tốt để cún con không bị ngạt thở. Để kéo thai ra ngoài, bạn cần dùng tay chuyển thai về tư thế “thuận”, tức là: Đầu và 2 chi trước, đuôi và 2 chi sau ra cùng, sau đó nhẹ nhàng kéo chúng ra.

Giá bán chó sư tử?

Mức giá bán giống chó Chow Chow phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: nguồn gốc xuất xứ, độ tuổi, giới tính, kiểu lông, độ thuần chủng,…Những chú cún Chow Chow thuần chủng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả sẽ được đẩy lên mức cao nhất. Thường thì Chow Chow thuần chủng khá hiếm tại thị trường Việt Nam. Cho nên, giá cả của chúng cũng đắt đỏ hơn so với những giống chó khác.

Giá bán Chow Chow
Giá bán Chow Chow
  • Từ 10 – 15 triệu đồng: Những chú chó Chow Chow được sinh ra tại Việt Nam, chất lượng và độ thuần chủng tốt.
  • Trên 15 triệu đồng: Chow Chow được nhập khẩu, tùy theo nơi nhập mà sẽ có sự khác biệt về giá cả.
Tổng kết chó Chow Chow
Tổng kết chó Chow Chow

Petwiki đã cùng các bạn khám phá 8 sự thật về chó Chow Chow – giống chó sư tử đáng yêu, chiếm được thiện cảm của nhiều người. Hy vọng những thông tin trên về nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình, tính cách, vấn đề chăm sóc và sinh sản của giống chó Chow Chow, sẽ giúp bạn hiểu nhiều hơn về loài cảnh khuyển này.

Bài Viết Mới

Bài Viết Liên Quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here