Bệnh Parvo ở chó được biết đến là một căn bệnh nguy hiểm bậc nhất đối với thú cưng, đây là nỗi ám ảnh đáng sợ đối với bất kỳ ai khi nuôi cún.
Vậy bệnh Parvo ở chó là bệnh gì? Mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào mà khiến nhiều người lo ngại vậy? Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là gì? Cách phòng và điều trị căn bệnh này như thế nào? Hãy cùng Petwiki tìm hiểu kĩ hơn về bệnh Parvo ở chó thông qua bài viết dưới đây nhé!
Bệnh Parvo ở chó là bệnh gì?
Bệnh Parvo ở chó hay còn có tên khoa học là bệnh truyền nhiễm canine parvovirus ở chó. Căn bệnh này thường xảy ra ở ruột và dạ dày cún gây viêm nặng nề khiến con vật tử vong do mất nước, mất chất điện giải khiến cho ở thể bị suy kiệt nặng nề.
Bệnh Parvo ở chó có khả năng lây nhiễm cao với tỷ lệ tử vong lớn lên đến 90 – 100% nếu chú cún bị bệnh mà không được cứu chữa kịp thời. Ở chó trưởng thành, bệnh không gây chết nhưng những chú chó này lại là mối nguy hiểm đối với những chú chó con khác. Tại sao lại như vậy?
Vì những chú chó trưởng thành khi mắc bệnh Parvo sẽ không gây chết vì lúc này chúng đã có được một hệ miễn dịch khỏe mạnh, đường ruột đã ổn định tuy nhiên chúng sẽ trở thành vật chủ mang mầm bệnh và đào thải mầm bệnh ra ngoài môi trường

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Parvo ở chó
Ca bệnh Parvo ở chó đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1978, sau đó căn bệnh đã lây lan nhanh trong trên phạm vi toàn thế giới. Năm 1990 là năm đầu tiên mà nước ta ghi nhận 1 ca về căn bệnh này trên một giống chó nghiệp vụ.
Parvovirus ở chó
Bệnh Parvo ở chó xảy ra khi cơ thể cún cưng bị xâm nhập bởi một loại virus thuộc họ Parvoviridae, nhóm Parvovirus và thuộc Typ II ( Parvovirus Typ I không gây bệnh). Đây là một loại virus có 1 ADN, hình cầu và kích thước siêu nhỏ chỉ khoảng 18-24 nm.
Phần vỏ virus có cấu trúc Capxit gồm 32 Capsome vì vậy chúng phát triển mạnh mẽ ở điều kiện nhiệt độ cao, thời tiết ẩm thấp,… Ở Việt Nam, một đất nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới nên thời tiết nóng ẩm mưa nhiều tại nước ta là điều kiện thuận lợi để virus Parvo ở chó nhân lên và gây bệnh cho động vật.
Con đường lây truyền bệnh Parvo ở chó
Parvo ở chó có thể lây lan thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp qua việc tiếp xúc với nhau.
Bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp khi những chú chó khỏe mạnh tiếp xúc với các chất bài tiết của chú chó bị mắc bệnh. Một số chất bài tiết chưa mầm bệnh phải kể đến đó là: Nước bọt, nước tiểu, phân…
Quá trình xâm nhập của parvovirus được diễn ra như sau:

Ban đầu, mầm bệnh được thải ra cùng với các chất bài tiết từ những chú chó đã mắc bệnh. Sau đó chú chó khỏe mạnh tiếp xúc với mầm bệnh thông qua việc hít, ngửi (vì đây là tập tính của loài chó).
Khi virus xâm nhập được vào cơ thể con vật khỏe mạnh thì chúng sẽ theo đường miệng và bắt đầu quá trình phát triển tại cổ họng và các mô bạch huyết của cún. Đến một thời điểm thích hợp, khi virus đã nhân lên đủ thì chúng sẽ đi vào máu rồi theo màu đi đến các mô tế bào khác như mô cơ tim, các mô đường ruột và đặc biệt là tủy xương để sinh trưởng gây bệnh.
Vị trí ưa thích của Parvovirus chính là ở ruột vì thế ruột là nơi cư trú của chúng, quá trình dịch mã, nhân bản sinh sôi số lượng gây bệnh sẽ xảy ra tại đây. Đồng thời, thời điểm sinh trưởng của chúng cũng đã tạo điều kiện để các vi khuẩn đường ruột khác sinh sôi và gây bệnh.
3-4 ngày sau khi con vật phát bệnh, một lượng Parvovirus sẽ được chó bệnh thải ra thông qua con đường bài tiết và chúng sẽ tồn tại trong phân khoảng 3 tuần.
Các đối tượng có thể làm vật chủ trung gian truyền bệnh Parvo
Ngoài các chất bài tiết của chó bệnh ra, liệu bệnh Parvo ở chó có thể lây lan qua các vật dụng không? Câu trả lời là Có. Parvovirus được cho là rất nguy hiểm bởi căn bệnh này có thể tồn tại ở ngoài môi trường trong một khoảng thời gian tương đối dài. Mầm bệnh có thể dính vào thức ăn, nước uống hay thậm chí là cả chủ nuôi và những động vật không cảm thụ với căn bệnh này.
Triệu chứng khi chó bị mắc bệnh Parvo
Khi virus xâm nhập vào cơ thể con vật thành công thì chúng sẽ có một khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 7 ngày. Tới khi phát bệnh Parvo thì con vật thường có biểu hiện ở 3 dạng chủ yếu như sau:
Bệnh Parvo ở chó dạng đường ruột
Parvo ở dạng đường ruột là dạng phổ biến nhất. Dạng này thường xuất hiện ở những chú chó 6-12 tuần tuổi. Chó khi mắc bệnh Parvo ở chó dạng đường ruột thường có các biểu hiện như:
- Chó cưng sốt kéo dài từ lúc phát bệnh cho đến lúc chó bị tiêu chảy nặng.
- Con vật trở nên ủ rũ, thiếu sức sống, ăn ít lại hoặc nặng hơn là bỏ ăn đi kèm với triệu chứng nôn mửa.
- Trong quá trình đi ngoài, phân của cún lỏng, phân có màu hồng hoặc có lẫn cả máu tươi. Nếu bạn để tình trạng bệnh kéo dài khiến bệnh tình trở nên thì trong phân còn có cả niêm mạc ruột và các chất keo nhầy. Phân đi có mùi thanh rất đặc trưng giống như mùi cá mè phơi nắng.
- Ở dạng bệnh đường ruột này, chú chó thường tử vong do tình trạng tiêu chảy nặng khiến cơ thể cún bị mất nước trầm trọng, mất cân bằng các chất điện giải, sốc do nội độc tố hoặc nhiễm trùng thứ phát.
- Đối với những chú cún đã từng mắc căn bệnh này mà may mắn vượt qua thì sẽ có miễn dịch dài với Parvovirus.

Bệnh Parvo ở chó dạng viêm cơ tim
Bệnh Parvo ở chó dạng này thường hay gặp ở những chú chó con ở độ tuổi từ 4 – 8 tuần tuổi. Chó khi mắc bệnh bị suy tim cấp do virus tấn công trực tiếp vào tim gây hoại tử cơ tim. Con vật bị chết đột ngột, không có triệu chứng điển hình gì.
Những trường hợp chó bị mắc bệnh Parvo ở dạng viêm cơ tim thì bạn có thể thấy cún bị thiếu máu trầm trọng, niêm mạc miệng, mắt nhợt nhạt hoặc thâm tím.
Máu là đơn vị vận chuyển oxy để nuôi sống các bộ phận khác của cơ thể, nếu con vật bị thiếu màu thì sẽ cảm thấy khó thở, nôn mửa và kêu la ầm ĩ rồi lăn ra chết.
Tỷ lệ chết ở những chú cún bị mắc bệnh dạng này chỉ chiếm tới 50%
Bệnh Parvo ở chó dạng kết hợp tim – ruột
Parvo ở dạng kết hợp tim – ruột thường gặp ở những chú chó từ 6 – 16 tuần tuổi. Con vật khi mắc bệnh ở dạng này thường chết rất nhanh chỉ sau 24 giờ đồng hồ tính từ lúc có triệu chứng mắc bệnh đầu tiên. Tỷ lệ tử vong khi chó bị mắc bệnh ở thể này tương đối cao, nguyên nhân chết chủ yếu là do ỉa chảy nặng, thiếu máu, tim bị sốc và phổi bị phù nặng.
Chẩn đoán bệnh Parvo ở chó
Chẩn đoán bệnh Parvo ở chó dựa vào các triệu chứng lâm sàng
- Chó bị sốt liên tục kéo dài
- Tiêu chảy xuất hiện cả máu
- Nôn mửa liên tục mà không rõ lý do
- Chó bị kiệt sức, nằm ì một chỗ, lười vận động
- Bỏ ăn do chú cún mệt mỏi, từ chối cả những món ăn yêu thích
- Cân nặng bị giảm đột ngột
- Mất nước nghiêm trọng, khi bao da lên không có độ đàn hồi

Chẩn đoán phi lâm sàng bệnh Parvo ở chó
Các bước thực hiện chẩn đoán phi lâm sàng bệnh Parvo ở chó được diễn ra như sau:
Bước 1: Bạn cần nắm được các thông tin của thú như bao gồm: giống chó, độ tuổi, giới tính, bệnh án và cả lịch tiêm phòng
Bước 2: Tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra độ đàn hồi của da, niêm mạc mắt…
Bước 3: Lấy mẫu để tiến hành làm phản ứng ELISA, điều tra các chỉ số bạch cầu, nồng độ natri, kali, albumin trong máu…
Bước 4: Bạn có thể chụp X – quang cho cún để chắc chắn không bị nhầm lẫn với các bệnh khác có triệu chứng tương tự
Phân biệt bệnh Care và Parvo ở chó

Bệnh Parvo | Bệnh Care |
Sốt cao liên tục Dạng đường ruột Thời gian ủ bệnh 3-5 ngày Lứa tuổi 6 – 12 tuấn tuổi Nôn Cún bị tiêu chảy nặng, phân lẫn máu, mùi tanh khắm như mùi cá mè phơi nắng | Sốt có chu kì Đường tiêu hóa Chó bị mắc bệnh thường xuyên nôn mửa, khát nước Tiêu chảy diễn ra nhiều lần, phân có lẫn máu màu cà phê |
Hướng dẫn chi tiết về cách chữa bệnh Parvo ở chó
Nguyên lý điều trị chính của bệnh Parvo ở chó chính là điều trị kịp thời, bổ sung đầy đủ nước và các chất điện giải, tăng cường sức đề kháng cho con vật và chống nhiễm trùng kế phát
Cách chữa bệnh Parvo ở chó tại nhà

Nếu chú cún bị nôn thì bạn cần cắt nôn bằng cách tiêm Atropin dưới da
Bổ sung thêm nước và cách chất điện giải bằng cách cho uống oresol hoặc bạn có thể truyền muối và đường cho cún vào tĩnh mạch khoeo
Chú cún bị tiêu chảy quá nhiều cần hạn chế bằng cách cho cún uống thuốc đặc trị tiêu chảy như Biseptol ngày 1 lần. Trong trường hợp cún bị đi ngoài ra máu thì chủ nuôi cần tiêm cho cún Vitamin K để cầm máu kết hợp cả vitamin C để tăng sức đề kháng.
Song song với việc điều trị các triệu chứng thì bạn cần phòng chống bội nhiễm bằng cách tiêm kháng sinh như: Gentamycin, Enroflox…
Cách chăm sóc chó bị bệnh Parvo

Trong thời gian điều trị
Bạn cần cách ly chú chó bị ốm để ở nơi sạch sẽ thoáng mát, tránh mọi tác động gây kích thích cho con vật từ bên ngoài. Đồng thời, bạn cần phải cung cấp đầy đủ nước uống, tránh để chó uống nước bẩn.
Cách ly chú chó bị bệnh với cả đàn chó, sử dụng thuốc khử trùng để tránh virus lây lan ra các con khác.
Thời gian sau khi phục hồi
Vẫn tiếp tục giữ cho chú cún luôn khô ráo và sạch sẽ, chuồng nuôi nhốt phải được kê cao hơn so với mặt đất 10cm. Vệ sinh thường xuyên nơi ở của cún, phun thuốc sát trùng định kỳ.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, kiêng thịt gà, mỡ, đồ ăn tanh…
Cách phòng bệnh Parvo ở chó hiệu quả nhất

Để phòng chống căn bệnh quái ác này xảy ra với chú cún của mình thì bạn cần phải thực hiện tốt các công tác vệ sinh thú y. Cùng với đó, việc tiêm phòng vacxin định kỳ cho chó cũng là một điều rất cần thiết khi chú cún đạt 6-7 tuần tuổi, nhắc lại khi chúng được 9 – 12 tuần tuổi. Các mũi vacxin cần được nhắc lại hàng năm.
Hiện nay, theo như thông tin mà Petwiki cập nhật được thì giá vacxin phòng bệnh Parvo chỉ giao động trong khoảng từ 150.000 VNĐ – 200.000 VNĐ. Hy vọng bài viết trên đã giúp ích được cho các sen. Hãy theo dõi chúng mình để cập nhật nhiều bài viết hữu ích khác nhé.