Bệnh nấm da ở chó mèo diễn ra khá phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và Việt Nam là một trong những nước tiêu biểu thuộc kiểu khí hậu này. Bệnh thường diễn ra ở những em chó mèo không được tắm rửa vệ sinh cơ thể sạch sẽ hoặc do một số nguyên nhân khác như môi trường sống ẩm thấp, sức đề kháng của chó mèo…
Các bé khi bị bệnh nấm da sẽ gây ra mùi hôi rất khó chịu, rụng lông nhiều và các vấn đề nghiêm trọng trên da. Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Petwiki để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách phòng trị nấm da trên chó mèo hiệu quả nhé!
Đôi nét về bệnh nấm da ở chó mèo

Bệnh nấm da ở chó mèo là một bệnh do nấm gây ra làm nhiễm trùng da, lông hoặc móng. Bệnh được gây ra bởi nhóm nấm có tên là Dermatophytes. Nhóm này bao gồm nấm Microsporum canis (ảnh hưởng đến mèo, chó và ở mức độ nhẹ đối với các loài động vật cỡ lớn lớn), nấm Trichophyton mentagrophytes I verrucOsum và nấm Jerinasei M gypseum (gây ra các tổn thương nặng hơn, gây viêm)…
Các sợi nấm này xâm nhập vào cơ thể và phá hủy các sợi lông và các lỗ chân lông của thú cưng, làm cho chúng bị nhiễm nấm, tạo ra vảy gàu và rụng lông. Ở những bé chó mèo còn nhỏ hoặc hệ miễn dịch bị suy nhược thì tỷ lệ nhiễm nấm có thể diễn ra rất dai dẳng và lan rộng sang các vị trí khác. Việc truyền lây có thể thông qua việc tiếp xúc giữa chó lành với thú cưng bị bệnh, hoặc gián tiếp qua lông bị gãy rụng từ chó mèo bị bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm da trên chó mèo là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm da cho thú cưng của bạn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do chủ nuôi để da lông chó mèo trong tình trạng ẩm ướt và dơ trong một thời gian dài. Từ đó nấm sẽ có điều kiện xâm nhập vào cơ thể cún cưng, có cơ hội phát triển và gây bệnh cho vật chủ. Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác có thể kể đến như sau:

Do cấu trúc đặc điểm da của các giống chó mèo
Bệnh nấm thường xuất hiện ở các giống chó mèo nhập ngoại có lông dài, rậm hoặc giống chó ưa lạnh. Sau khi về Việt Nam, nơi có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều làm cho da và lông chó luôn trong tình trạng ẩm ướt, bẩn thỉu. Đi kèm với đó quá trình vệ sinh cho những chú chó lông dài cũng diễn ra khó khăn hơn rất nhiều so với những dòng chó có bộ lông ngắn. Đây là điều kiện thích hợp cho các vi khuẩn gây bệnh trên da cún sinh sôi đặc biệt là nấm mốc.
Ở đây ta có thể kể đến giống chó dễ bị mắc bệnh nấm da khi đưa về nước ta nuôi đó là chó Bắc Kinh, chó Nhật, Border Collie và đặc biệt giống chó Pug…. Tuy lông chó Pug không dài, nhưng đặc điểm da của Pug là những nếp gấp, khó vệ sinh, không thông thoáng, nên Pug rất dễ nhiễm bệnh nấm da.
Do độ tuổi của thú cưng
Độ tuổi cũng là một trong những yếu tố khiến thú cưng dễ bị nhiễm nấm. Các em chó mèo còn quá nhỏ hay quá già có đề kháng da lông không được tốt bằng những em chó mèo đang ở độ tuổi trưởng thành nên dễ bị nhiễm mầm bệnh từ những thú cưng mang bệnh hay bị nhiễm bệnh từ môi trường sống.
Một điều mà bạn đặc biệt cần phải lưu ý đó là bệnh nấm da có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình chăm sóc, và lây truyền từ chó mèo bệnh sang chó khỏe trong quá trình vui chơi. Độ tuổi dễ nhiễm bệnh là chó mèo con dưới 6 tháng tuổi lúc này da và lông chưa phát triển, hệ miễn dịch cũng chưa được hoàn thiện đầy đủ.
Tắm quá nhiều lần cho chó mèo

Một nguyên nhân không thể thiếu đó là có nhiều chủ nhân luôn muốn thú cưng của mình phải được sạch sẽ, thơm tho nên tắm cho chúng thường xuyên, liên tục để loại bỏ hết sạch mùi hôi trên cơ thể chúng.
Tuy nhiên việc tắm cho chó mèo liên tục lại không thực sự tốt như nhiều chủ nuôi nghĩ, vì việc này đã vô tình khiến cho da bé bị mất đi lớp chất nhờn, giữ ẩm có lợi trên da chúng. Khi em ấy không may bị tổn thương da và sức đề kháng bị suy giảm với bệnh tật sẽ tạo nên cơ hội để nấm da phát triển và hoành hành gây bệnh trên cơ thể chó mèo.
Việc chủ nuôi sử dụng loại sữa tắm có độ pH cao cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho chất nhờn trên da của chó mèo bị mất đi và dẫn tới bệnh nấm da trên chó.
Nhiều người khi nuôi thú cưng luôn có quan niệm cho chúng sử dụng luôn các sản phẩm của con người. Họ cứ nghĩ ra, những loại sữa tắm, những loại dầu gội đắt tiền dành cho con người sẽ giúp da cún khỏe mạnh, sạch sẽ. Nhưng không! Những loại sữa tắm, dầu gội hàng hiệu đó đã vô tình làm tổn thương da các boss bởi độ pH trên da người và da động vật là khác nhau. Vậy nên bạn Hãy mua cho chúng những loại sữa tắm được sản xuất dành riêng cho làn da của chó mèo.
Do lây truyền từ các loài ký sinh trùng
Chó mèo còn có thể bị nhiễm bệnh nấm da do các ký sinh trùng gây nên như ve, rận, cái ghẻ,… các loại vật ký sinh trùng này khi kí sinh trên cơ thể chó mèo lâu ngày sẽ hút máu khiến chúng bị thiếu máu, phá hủy làm tổn thương da, lông các bé tạo cơ hội để nấm sinh sôi, phát triển và gây bệnh trên cơ thể.
Những dấu hiệu nhận biết chó mèo bị bệnh nấm da
Những vật nuôi khi bị bệnh nấm da sẽ có các biểu hiện như: lông bị rụng hoặc lông mỏng hơn, xơ xác hơn so với bình thường, cơ thể còn có mùi hôi khó chịu. Lông của những chú chó mèo bị nấm cũng có thể là rụng thành từng mảng, từng chỏm một hình tròn, hình đồng xu…
Sau đó lan dần ra khắp cơ thể, khiến lông xơ xác và gây mất thẩm mỹ. Chó mèo khi bị bệnh nấm da sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy, khó chịu chúng thường xuyên gãi, cắn vào chỗ bị nấm gây chảy máu khiến vị trí đó bị nhiễm khuẩn gây nên các bệnh kế phát khác về da.
Thậm chí nhiều loại nấm da ở chó mèo còn có thể lây lan sang cả con người với các dấu hiệu dễ dàng nhận biết. Sự lây nhiễm của bệnh nấm da sẽ chỉ dừng lại khi không còn sự tiếp xúc giữa các tế bào chết của da, lông hoặc với mô bị tổn thương.
Tình trạng viêm da do nấm, mức độ lây lan bệnh có thể thuyên giảm và có thể chữa khỏi, nhưng quá trình này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian có thể kéo dài đến vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng.

Một số biểu hiện đặc trưng khi cún bị nhiễm nấm:
- Chó mèo bị chảy dãi hơn so với bình thường do chúng bị ngứa miệng.
- Thường xuyên gãi, cắn các vị trí bị ngứa do nấm.
- Thú cưng thường lăn lộn, lắc đầu do các vị trí bị khuất, không gãi được
- Các điểm nấm mọc lên nhiều có thể gây sưng và đau, có thể kết hợp với sốt nhẹ.
- Các điểm bị nấm sẽ xuất hiện thêm vảy, ửng đỏ, rụng lông và thậm chí là cả các nốt hoại tử.
Ngoài ra, bạn cần tìm đến những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao để nhận biết mức độ bệnh và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Cách tốt nhất mà bạn nên làm khi thú cưng có xuất hiện các biểu hiện của nấm thì hãy đưa chúng đến gặp các bác sĩ thú y với các phương pháp như: Soi mẫu tế bào biểu bì, chẩn đoán phân biệt bệnh nấm da với các bệnh viêm da khác và đưa ra liệu pháp điều trị hợp lý đối với từng chú cún, từng loại nấm.
Cách điều trị tại nhà khi chó mèo bị nấm da
Hiện nay có rất nhiều cách chữa trị bệnh nấm da cho chó mèo nhưng đâu mới là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất. Sau đây Petwiki sẽ giới thiệu đến bạn một số phương pháp điều trị nấm da hiệu quả nhất cho chó mèo tại nhà.
Nếu em pet của bạn chưa bị quá nặng thì bạn cần hạn chế cho chúng uống thuốc và tiêm thuốc bởi lẽ điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến gan, thận của chúng. Bạn hãy cạo lông cho chúng để đảm bảo cho việc điều trị diễn ra tốt hơn.

Điều trị bệnh nấm da theo phương pháp dân gian
Tắm cho chó mèo bằng các loại lá có vị chát: Lá chè, lá xà cừ, lá đào…
Tắm cho chúng bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ: Bạn hãy đến các hiệu thuốc tây hỏi mua nhé. Phương pháp này cần kết hợp với việc bôi thuốc đỏ cho cún cưng hàng ngày tại vị trí bị nấm
Điều trị bệnh nấm da bằng sữa tắm và thuốc trị nấm toàn thân
Bên cạnh đó, bạn có thể điều trị nấm da cho thú cưng bằng cách sử dụng các loại dầu tắm kháng nấm có thành phần: miconazole, ketoconazole và các chế phẩm chlorhexidine. Kết hợp cả điều trị nấm da toàn thân cho vật nuôi bằng thuốc trị nấm da Ketoconazol dạng viên.
Phòng bệnh nấm da ở chó mèo

- Để phòng chống thú cưng bị nhiễm nấm bạn nên có cách chăm sóc và vệ sinh đúng cách cho bé. Vào các buổi sáng và chiều tối bạn có thể cho chó mèo đi tắm nắng một lúc vì tia nắng mặt trời có khả năng diệt khuẩn tốt.
- Lông và da của chú chó mèo lúc nào cũng phải khô thoáng và sạch sẽ.
- Vệ sinh nơi ở và những nơi các bé nhà bạn hay nằm.
- Sử dụng các loại sản phẩm sữa tắm dành riêng cho chó mèo
- Thường xuyên chải lông, quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe lông, da của chú chúng
- Hạn chế tối đa việc cho thú cưng tiếp xúc với những cá thể bị bệnh
- Chú trọng nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng của chó mèo. Đây là một vấn đề quan trọng bởi dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến độ óng mượt, khỏe mạnh của da, lông.
- Thường xuyên nhỏ gáy để phòng chống ký sinh trùng cho chó mèo
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về bệnh nấm da ở chó mèo. Petwiki hy vọng những thông tin đó sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng và điều trị bệnh nấm da. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết.