spot_img

[Chi tiết] Bệnh Lepto Ở Chó có lây sang người không?

Bệnh Lepto ở chó hay còn có tên gọi khác là bệnh Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn). Đây là một căn bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra trên chó mèo do một loại vi khuẩn có hình xoắn giống như lò xo gây ra. Con vật khi bị mắc căn bệnh này sẽ có tỷ lệ chết rất cao và đặc biệt hơn là bệnh còn có thể lây sang con người nếu không được phòng và điều trị kịp thời.

Bệnh Lepto ở chó hiện đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới tuy nhiên nặng nhất là ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cùng Petwiki tìm hiểu về căn bệnh này nhé.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Lepto ở chó

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh Lepto ở chó mèo là từ xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Tuy nhiên những loại động vật khác nhau lại cảm nhiễm với chủng loại Lepto khác nhau.

Nguyên nhân gây bệnh Lepto ở chó
Nguyên nhân gây bệnh Lepto ở chó

Trong tự nhiên, xoắn khuẩn Leptospira thường được các loài động vật gặm nhấm như chuột mang theo suốt đời, đây được coi là nguồn tàng trữ mầm bệnh chính. 

Các loài gặm nhấm liên tục bài xuất mầm bệnh ra ngoài môi trường thông qua nước bọt, phân… làm ô nhiễm nguồn nước, thức ăn. Xoắn khuẩn sẽ nhân cơ hội này xâm nhập vào cơ thể vật chủ khác thông qua niêm mạc đường tiêu hóa và máu và gây bệnh.

Ở chó, ngoài con đường xâm nhập như nước uống thì xoắn khuẩn còn có thể xâm nhập vào bằng thức ăn. Chó là một loài động vật ăn thịt những con vật mà chúng săn được có thể là những loài động vật mang trong mình xoắn khuẩn. Từ đó, xoắn khuẩn cũng đi vào cơ thể bằng đường ruột và thẩm thấu vào máu gây bệnh

Con đường truyền lây bệnh bệnh Lepto ở chó

Vi khuẩn Leptospira thường xảy ra chủ yếu nhất là vào mùa thu, đặc biệt là ở các môi trường cận nhiệt đới, nhiệt đới và ẩm ướt.

Con đường lây nhiễm bệnh Lepto
Con đường lây nhiễm bệnh Lepto

Bệnh thường lây lan, tồn tại ở các vùng như:

  • Những khu vựng lầy lội, vũng nước tù đọng và cũng có cả ở trong các loài động vật gặm nhấm.
  • Các đồng cỏ được tưới ẩm thường xuyên
  • Cún cưng thường mắc bệnh Lepto khi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu của những loài mang mầm bệnh, bị nhiễm bệnh. Nếu chú cún có những vết thương hở trên da thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên rất nhiều lần.
  • Bên cạnh đó, chó còn là loài động vật rất thích bơi lội, liếm láp những vũng nước bẩn hay bới đất vầy bùn nếu không may ở trong những môi trường ấy có tồn tại xoắn khuẩn thì tỉ lệ mắc bệnh cũng rất cao.

Bệnh Lepto ở chó ở chó có lây sang con người và vật nuôi khác không?

Bệnh Lepto ở chó hoàn toàn có thể lây truyền sang con người. Đối tượng có nguy ở bị nhiễm bệnh nhất đó chính là trẻ em bởi những hành động ôm, hôn với chú cún cưng bị nhiễm bệnh.

Khi con người bị nhiễm bệnh, các triệu chứng của bệnh xoắn khuẩn sẽ chưa diễn ra ngày nên rất khó nhận biết và điều trị sớm. 

Cùng với việc bệnh Lepto ở chó lây sang người thì Lepto còn có thể lây sang có động vật nuôi khác thông qua dịch tiết của cơ thể của con vật bị bệnh. 

Triệu chứng khi chó bị mắc bệnh Leptospirosis

Khi con vật bị mắc bệnh Leptospirosis thì triệu chứng của bệnh sẽ được chia ra thành 3 thể khác nhau

Bệnh Lepto ở chó thể quá cấp tính

Khi chú cún bị mắc bệnh Lepto ở thể này thì bệnh thường xảy ra rất đột ngột. Chú cún có thể có các biểu hiện như:

Bệnh Lepto ở thể quá cấp tính
Bệnh Lepto ở thể quá cấp tính
  • Sốt rất cao từ 40.5 – 41 độ C
  • Chó mệt mỏi, thích nằm một chỗ. mắt lờ đờ và bỏ ăn
  • 2 chân sau của chú cún bị yếu rõ rệt 
  • Kết mạc mắt có hiện tượng bị xung huyết
  • Sau đó, nhiệt độ cơ thể của cún bị giảm xuống đột ngột xuống còn 37 – 38 độ C. Cún cưng trở nên ủ rũ, việc thở diễn ra rất khó khăn, khát nước đi kèm với hiện tượng nôn mửa liên tục
  • Các vùng niêm mạc, da vàng sẫm, nước tiểu cũng vàng.
  • Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì có thể chú cún sẽ bị chảy máu mũi, nôn ra máu và chết trong khoảng thời gian 3-5 ngày khi có biểu hiện bệnh.

Bệnh Lepto ở chó thể cấp tính

Nếu cún bị mắc bệnh xoắn khuẩn ở thể cấp tính thì nhìn chung, các triệu chứng bệnh cũng giống như ở thể quá cấp tính như:

  • Cún cũng sẽ có các cơn sốt cao từ 40.5 – 41.5 độ C. Bởi sốt cao kéo dài nên chú cún sẽ thấy rất mệt mỏi, ăn rất ít thậm chí là bỏ ăn.
  • Ban đầu, cún bị mắc bệnh Lepto sẽ bị táo bón, phân có màu vàng sau đó thì bị tiêu chảy.
  • Niêm mạc, da cũng có màu vàng sẫm, nước tiểu màu vàng hoặc màu nâu vì có nhiều huyết cầu, có khi lẫn cả máu
  • Phù thũng ở vùng mi mắt, môi má và hoạt tử da
  • Chú cún bị bệnh sẽ gầy rất nhanh và thiếu máu trầm trọng.
Bệnh Lepto ở thể cấp tính
Bệnh Lepto ở thể cấp tính

Bệnh Lepto ở chó thể mãn tính

Chú cún gầy yếu, lông rụng nhiều, thiếu máu đôi khi bị phù thũng ở vùng mặt, yếm, ngực

Cũng giống như các thể bệnh ở trên, cún bị mắc bệnh Lepto ở thể mãn tính nước tiểu màu vàng, chảy dai dẳng. 

Nếu chú cún bị mắc bệnh Lepto khi đang mang thai thì sẽ xảy ra hiện tượng sảy thai.

Bệnh lý của bệnh Lepto ở chó

Cún có hiện tượng hoàng đản nặng (ở các vị trí như củng mạc, niêm mạc miệng, da chuyển màu vàng rõ rệt, có thể quan sát bằng mắt), cùng với đó trên niêm mạng cũng xuất hiện các điểm xuất huyết.

Khi mổ khám thì bạn có thể thấy các bệnh tích điển hình ở các vị trí:

  • Thận của con vật nhợt nhạt, có màu vàng xám và phình to khác thường lên trên bề mặt cắt.
  • Màng bao thận bị dính chặt trên bề mặt, khó bóc và có thể có các vết xuất huyết dưới màng bao thận.
  • Trên phổi thì có các đốm xuất huyết và tụ huyết thường được tìm thấy.
  • Gan sưng to bất thường, dễ vỡ và đổi màu vàng nâu.
  • Trên não có các đốm xuất huyết, tụ huyết
  • Dạ dày bị loét, xuất huyết nặng

Về mặt mô học:

  • Các tổn thương thận khó có thể thấy được vì bị tổn thương nhẹ hoặc rất ít.
  • Các tổn thương thứ cấp nhưng nhiễm độc niệu, khoáng hóa phổi, khoáng hóa niêm mạc dạ dày và hoại tử Fibrin mạch máu diễn ra phổ biến hơn (khoáng hóa là hiện tượng các cơ quan bị tích tụ canxi)
Bệnh lý của bệnh Lepto ở chó
Bệnh lý của bệnh Lepto ở chó

Hướng dẫn cách chẩn đoán bệnh Lepto ở chó

Chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng

Ở phương pháp chẩn đoán này thì bạn hoàn toàn có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này như:

  • Con vật sốt cao đột ngột, bỏ ăn, yếu đuối và thích nằm ì một chỗ
  • Cơ bị đau, di chuyển khập khiễng, miễn cưỡng
  • Cún bị rùng mình
  • Mất tính thèm ăn. bỏ ăn, nôn nhiều và có thể lẫn máu
  • Có hiện tượng tiêu chảy, có máu hoặc không có máu
  • Dịch âm đạo có máu
  • Do bị nôn và bị tiêu chảy nên cún bị mất nước rất nhanh. Vì vậy, cún uống nước nhiều và đi tiểu nhiều hơn.
  • Da, niêm mạc vàng
  • Ho, khó thở, thở nhanh và mạch đập không đều.

Chẩn đoán căn cứ vào kết quả chẩn đoán vi sinh vật học

Để chẩn đoán bằng phương pháp này thì bạn cần lấy mẫu máu của chú cún bị bệnh (ưu tiên là các mẫu máu khi cún bị bệnh trong 10 ngày đầu) sau đó lấy mẫu nước tiểu.

Lấy 0.25 – 0.5 ml máu, nước tiểu hay dịch não tủy để làm môi trường cấy trực tiếp. Phân lập vi khuẩn và sử dụng phương pháp PCR để phát hiện vi khuẩn.

Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học

Phương pháp này thường được áp dụng tại các phòng khám thú y lớn. Thông qua các chỉ số xét nghiệm của máu và đưa ra kết quả bằng phản ứng ELISA.

Phòng bệnh Lepto ở chó
3 Cách chẩn đoán bệnh Lepto

Bệnh Lepto ở chó có chữa được không?

Bệnh Lepto ở chó chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bạn cần chú ý và thận trọng trong các bước phòng bệnh. 

Trên thị trường thú cưng hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu ra vacxin phòng bệnh Lepto ở chó mèo. Tuy nhiên, loại vacxin này vẫn còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho cún cưng như bị phản ứng dị ứng.

Chi tiết về các bước điều trị bệnh Lepto ở chó

Các bước điều trị bệnh Lepto ở chó mang tính chuyên ngành rất cao nên tốt nhất bạn hãy đưa cún cưng đến phòng khám thú ý gần nhất. Ở đó, các bác sĩ thú y sẽ tiến hành sử dụng các loại kháng đặc hiệu để điều trị. Điển hình có các loại thuốc kháng sinh sau: 

  • Erythromycin: tiêm bắp, 20 – 25mg/kg thể trọng, 2-3 lần 1 ngày
  • Tylosin: tiêm bắp 20 – 30mg / 1kg thể trọng, chia ngày 2 -3 lần

Kết hợp bổ sung các thuốc trợ sức trợ lực:

  • Promix: tiêm bắp 1ml/5kg thể trọng
  • Glucose 5% truyền tĩnh mạch
  • Các loại vitamin B1, Vitamin C và B. complex tiêm bắp
  • Vitamin B12 để chống thiếu máu
  • Vitamin K chống mất máu

Cách chăm sóc chó tại nhà trong quá trình điều trị bệnh

Để cún cưng hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm bệnh Lepto thì bạn cần thực hiện một số điều sau đây: 

Chăm sóc chó khi bị bệnh Lepto
Chăm sóc chó khi bị bệnh Lepto

Đảm bảo không gian nghỉ ngơi cho cún

Bạn nên cho cún cưng ở trong chuồng với một không gian yên tĩnh, thoải mái, thoáng mát và dễ chịu. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y về thực đơn ăn uống, thời gian nghỉ ngơi, vận động của cún cưng.

Chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa

Trong quá trình điều trị bệnh thì bạn nên để cún ở xa vị trí có trẻ em hoặc các động vật nuôi khác để giảm tốn đa khả năng lây bệnh Lepto.

Hãy đeo găng tay cao su mỗi khi tiếp xúc với chú cún hay xử lý các chất thải của cún.

Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên làm sạch và khử trùng các khu vực đi vệ sinh, các bãi nôn của cún.

Các đồ dùng vệ sinh cần được xử lý cẩn thận, vứt bỏ đúng vị trí sau khi đã sử dụng xong

Phòng bệnh Lepto ở chó như nào để cún luôn được an toàn?

Để phòng bệnh Lepto ở chó thì bạn cần có một chế độ chăm sóc. nuôi dưỡng cún cưng một cách chu đáo và cho cún ăn no, đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh môi trường sống cho cún cưng cũng rất quan trọng. Bạn cần thường xuyên phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và các khu vực xung quanh

Tuyệt đối không cho những chú cún lành tiếp xúc với những chú cún đã bị bệnh Lepto bởi mầm bệnh có thể đi qua nước tiểu của cún mang bệnh.

Bạn cần tiêu diệt ve bọ và các loài gặm nhấm thường xuyên và triệt để vì đây là nguồn lây phổ biến của căn bệnh này.

Phòng bệnh Lepto ở chó
Phòng bệnh Lepto ở chó

Tiêm vacxin phòng ngừa bệnh Lepto ở chó

Định kỳ tiêm vacxin phòng bệnh Lepto ở cún khi cún đạt 6-8 tuần tuổi thì tiêm mũi 1 sau đó mũi 2 sẽ được tiêm ngay sau 2-4 tuần sau đó.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, để độ bảo hộ của vacxin luôn ở mức an toàn thì bạn cần phải tiêm nhắc lại hàng năm.

Giá của vacxin phòng bệnh Lepto hiện nay giao động trong khoảng từ 150.000 VNĐ – 200.000 VNĐ

Suy nghĩ đến việc cho chó cưng ở chuồng riêng

Bệnh Lepto ở chó có thể lây lan sang con người, vì vậy việc bạn cho cún cưng ra ở riêng là điều nên làm. Nếu chẳng may cún cưng có bị nhiễm khuẩn lepto thì điều này sẽ giúp bạn hạn chế rất nhiều khả năng lây nhiễm từ động vật sang con người.

Hy vọng với bài viết trên bạn đã có thêm kiến thức để phòng và điều trị bệnh Lepto ở chó. Petwiki rất vui vì được đồng hành cùng bạn để chăm sóc thú cưng của mình. Hãy tiếp tục theo dõi chúng mình để cập nhật nhiều bài viết khác nhé.

Bài Viết Mới

Bài Viết Liên Quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here