Bệnh giun móc ở chó là một loại giun tròn thuộc họ Ancylostomatidae, ký sinh ở ruột non của chó, mèo và động vật ăn thịt khác. Biểu hiện đặc trưng của căn bệnh này thường là viêm ruột cấp tính và mãn tính, có kèm theo các biểu hiện chảy máu ruột, dẫn đến tình trạng vật nuôi bị thiếu máu. Căn bệnh này phổ biến rộng khắp toàn thế giới và xảy ra quanh năm.
Bệnh giun móc ở chó là gì?
Hình thái của giun móc
Giun móc chó trưởng thành có màu trắng sữa. Trên miệng có hệ thống giác bám phát triển nên chúng bám chắc vào màng nhầy của ruột non, khó loại bỏ.
Loài Ancylostoma duodenale:
- Giun đực có chiều dài 7-11mm, đuôi nhọn kèm hệ thống sinh dục đực ở đuôi.
- Giun cái có chiều dài hơn giun đực một chút. Mỗi ngày giun móc cái có thể đẻ từ 10.000 – 35.000 quả trứng. Hệ thống sinh dục của giun cái nằm ở khoảng giữa bụng. Đuôi giun cái cùn hơn so với con đực – đây là đặc điểm để phân biệt giun móc cái với giun móc đực.
- Giun móc sống tương đối lâu với tuổi thọ trung bình kéo dài khoảng 6 năm.
Loài Necator americanus: Kích thước của loài giun này ngắn hơn so với loài Ancylostoma duodenale. Giun cái có thể đẻ từ 5.000 – 20.000 quả trứng mỗi ngày. Tuổi thọ của loài giun này dài hơn so với Ancylostoma duodenale, trung bình khoảng 5-15 năm.

Chu kỳ phát triển của giun móc
Sau khi được thụ tinh, giun cái sẽ để trứng trong ruột non của ký chủ. Trứng sau đó sẽ theo phân ra ngoài môi trường, nếu gặp điều kiện thích hợp sẽ nở ra thành ấu trùng A1 sau khoảng 1-2 ngày. Ấu trùng A1 sẽ ăn các vi trùng, các chất hữu cơ trong phân để lột xác thành ấu trùng A2 trong khoảng thời gian từ 5-8 ngày.
Trứng và ấu trùng giun móc chó phát triển mạnh mẽ nhất ở trong điều kiện nhiệt độ nóng ẩm, nơi có nhiều bóng râm. Sau đó, ấu trùng A2 lại tiếp tục lột xác để trở thành ấu trùng A3, xâm nhập vào cơ thể ký chủ thông qua thức ăn, nước uống hoặc thậm chí là có thể xuyên qua da nhất là ở các vùng kẽ chân, da mỏng.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể ký chủ thành công, ấu trùng giun móc sẽ theo tĩnh mạch đi đến tim và các cơ quan nội tạng khác như phổi, dạ dày, ruột non…. Đặc biệt những con giun móc khi đi đến phổi sẽ đi ngược lên phế quản, khí quản (thông qua động tác ho, khạc của con vật) và đi sang thực quản rồi được con vật nuốt xuống dạ dày, ruột non.
Tại đây chúng sẽ bám vào niêm mạc ruột trở thành giun trưởng thành và tiếp tục vòng đời của chúng. Con cái sẽ bắt đầu đẻ trứng sau khoảng 5 tháng kí sinh trong ruột non của ký chủ.
Đặc điểm dịch tễ của giun móc

Giun móc chó tồn tại và phát triển chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khí hậu nóng ẩm rất thích hợp cho sự phát triển của trứng, ấu trùng giun móc nhất là vào mùa mưa.
Những vùng có ý thức vệ sinh kém như đi tiêu trên đồng ruộng, sử dụng phân tươi để bón phân cho hoa màu làm ô nhiễm đất khiến giun móc phát triển mạnh.
Các vùng có tập quán đi chân đất hoặc tiếp xúc với đất mà không mang giày dẹp cũng khiến cho giun đất có cơ hội xâm nhập vào cơ thể vật chủ.
Các triệu chứng của chó khi bị mắc giun móc
Chó khi bị mắc bệnh giun móc thường có biểu hiện ở hai thể đó là thể cấp tính và thể mãn tính.
Đối với thể cấp tính:
- Thể này thường gặp ở chó non từ 2-6 tháng tuổi. Ở độ tuổi này nếu bị mắc giun móc thường nặng, nguy hiểm.
- Tỷ lệ chết ở thế cấp tính rất cao lên đến 100%. Do vậy, bệnh giun móc chó được đánh ra là rất nguy hiểm trên loài chó
- Chó khi bị mắc bệnh giun móc thường nôn mửa liên tục, bãi nôn có khi có cả máu.
- Chó bỏ ăn hoặc ăn rất ít
- Tiêu chảy dữ dội, phân có lẫn màu màu cà phê (màu nâu sẫm) hoặc màu đen. Phân có dịch nhầy và có mùi tanh khắm
- Chó thường chết nhanh do mất máu, mất nước dẫn đến rối loạn chất điện giải trong máu, truỵ tim mạch và kiệt sức

Đối với thể mãn tính:
- Ở thể này các triệu chứng cũng giống như ở thể cấp tình nhưng thể hiện nhẹ hơn và có thời gian dài hơn.
- Sau khi nhiễm ấu trùng giun móc một tháng, chó thường có các biểu hiện của hội chứng thiếu máu, chảy máu ruột nhưng sau 2-3 tháng những triệu chứng này lại biết mất dần
- Trong điều kiện vệ sinh và chăm sóc chó tốt, dinh dưỡng cho chó đủ chất có thể làm cho khỏi bệnh hoàn toàn.
Cách chẩn đoán giun móc tại phòng khám ký sinh trùng
Ở tại các phòng khám ký sinh trùng thì chẩn đoán giun móc chó chủ yếu dựa trên kết quả của phương pháp soi phân tìm trứng.
Xét nghiệm công thức máu sẽ có các biểu hiện như thiếu máu, hồng cầu nhỏ, nhược sắc kèm theo đó là số lượng bạch cầu ái toan tăng cao.
Trong trường hợp chó bị nhiễm ít thì có để sử dụng phương pháp tập trung như Willis hoặc Kato-Katz.
Cấy phân thường dùng để xác định giun móc có tồn tại không.
Cách phòng bệnh giun móc ở chó
Các cụ ta thường có câu: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, Petwiki cũng rất tâm đắc câu này bởi nếu bạn phòng được bệnh thì chi phí bỏ ra sẽ tốt rất ít, chú chó luôn khoẻ mạnh, vui vẻ. Nếu để chó cưng bị bệnh thì rủi ro sẽ rất lớn, đi kèm với đó là chi phí khám chữa bệnh cũng rất cao. Vậy làm thế nào để phòng bệnh giun móc ở chó?

Để phòng bệnh giun móc ở chó thì bạn cần làm đầy đủ các việc dưới đây:
- Định kỳ 3 – 4 tháng kiểm tra phân chó 1 lần. Khi phát hiện thấy có trứng giun móc thì phải tấy ngay cho chó. Nếu không có điều kiện kiểm tra phân thì cứ 4 tháng tẩy giun cho chó 1 lần.
- Đảm bảo vệ sinh và định kỳ tẩy uế chuồng nuôi, nơi chăn thả chó (Đối với các cơ sở nuôi chó tập trung).
- Nuôi dưỡng và chăm sóc chó chu đáo để năng cao sức đề kháng với bệnh dịch nói chung và bệnh giun móc nói riêng.
- Cho chó ăn uống sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm mầm bệnh (ấu trùng giun móc).
Hướng dẫn điều trị bệnh giun móc ở chó
Để điều trị bệnh giun móc ở chó thì ta cần phân biệt rõ 2 phác đồ điều trị cho 2 thể bệnh đó là:

Thể bệnh cấp tính:
- Nguyên tắc điều trị: Phải tẩy giun móc cho chó bệnh kết hợp với biện pháp trợ sức, điều trị viêm ruột.
- Tẩy giun móc: Dùng Mebenvet với liều 0,6 – 1g/kg thể trọng của chó, hoặc Mebendazol dạng viên theo liều: 60mg/1kg thể trọng.
- Điều trị viêm ruột: Có thể dùng 1 trong số những kháng sinh: Tetracyclin, Neomycin, Kanamycin, Norfloxacin, Enrofloxacin.
- Chống chảy máu: Dùng vitamin K, Pamba, Rutin C.
- Trợ sức trợ lực: Truyền nước sinh lý mặn ngọt. Cho uống dung dịch Oresol. Tiêm Spartein hoặc Cafein Natribenzoat để chống rối loạn điện giải và trụy tim mạch.
Thể mãn tính hoặc không có triệu chứng lâm sàng: Biện pháp chủ yếu là tẩy giun móc cho chó. Có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau:
- Mebenvet bột: Dùng 0,6 – 1g/1kg thể trọng. Chia liều thuốc cho chó uống vào 2 – 3 buổi sáng.
- Mebendazole (Vermox ): Dùng liều 60mg/1kg thể trọng. Chia liều này cho chó uống vào 2 – 3 buổi sáng.
- Thiabendazole: Dùng liều 80 – 100mg/1kg thể trọng. Chia liều thuốc cho chó uống vào 2 buổi sáng. Sau khi cho chó uống thuốc 30 – 40 phút mới cho chó ăn.
Vậy là chúng ta vừa tìm hiểu xong về Bệnh giun móc ở chó, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức hữu ích. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bạn có thể để lại bình luận bên dưới, chúng mình sẽ giải đáp sớm nhất có thể. Cập nhật thêm nhiều bài viết của Petwiki để chăm sóc chu đáo hơn cho Boss nhà mình nhé.