spot_img

Tìm Hiểu Về Bệnh Dại Ở Chó, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Xử Lý

Bệnh dại ở chó là một trong những căn bệnh nguy hiểm thường gặp. Nhiều nguồn tài liệu cho rằng, ở Việt Nam chó nhà là nguồn lây truyền bệnh dại sang cho người nhiều nhất chiếm khoảng từ 95-97% rồi sau đó là mèo.

Bệnh dại là gì? Bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho các loài động vật máu nóng, trong đó có cả con người. Căn bệnh này xảy ra do một loại virus hướng thần kinh gây nên. Khi virus này xâm nhập vào cơ thể và tác động lên đến não bộ thì con vật bị bệnh sẽ có những biểu hiện thần kinh như: Điên cuồng, lồng lộn, bại liệt và cuối cùng là chết.

Hãy cùng Petwiki tìm hiểu về bệnh dại ở chó thông qua bài viết dưới đây nhé!

Lịch sử của bệnh dại ở chó

Bệnh dại được con người biết đến và mô tả từ thời thượng cổ (khoảng năm 2300 TCN). Năm 1804 khi y tế xã hội phát triển hơn một chút thì người ra đã biết bệnh dại có thể gây nhiễm qua nước bọt của chó bệnh.

Bệnh dại ở chó có ở khắp nơi trên thế giới nhưng cho đến nay một số nước và khu vực về cơ bản đã khống chế được căn bệnh này. 

Ở Việt Nam, bệnh dại gây ra nhiều thiệt hại cho người và động vật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhờ có chương trình tiêm vaccine phòng chống bệnh dại nên tỷ lệ thiệt hại về người và động vật đã giảm đi đáng kể.

Nguyên nhân gây bệnh dại ở chó

Nguyên nhân bệnh dại ở chó
Nguyên nhân bệnh dại ở chó

Bệnh dại ở chó do virus giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra. Đây là một loại virus có hình thái rất đặc biệt đó là hình viên đạn, kích thước nhỏ. Khi vào cơ thể thông qua vết cắn, virus dại sẽ tồn tại một khoảng thời gian rồi vào tế bào thần kinh ngoại biên và di chuyển hướng tâm lên hạch tủy sống, não bộ. Tại não, virus dại sẽ theo dây thần kinh di chuyển đến các nơi khác nhau như tuyến nước bọt, giác mạc, mắt…

Thời kỳ đầu virus mới ở não bộ, phá hủy một lượng ít nơron thần kinh nên con vật chưa có biểu hiện của bệnh dại rõ rệt. Giai đoạn sau, virus sẽ phá hủy các tế bào thần kinh nên chú chó bị bệnh dại có các hiểu hiện thần kinh: điên cuồng, cắn xé, rối loạn tâm lý… Giai đoạn cuối cùng, khi các nơron bị phá hủy nặng nề, con vật sẽ bị bại liệt và chết.

Bệnh dại lây truyền như thế nào?

Bệnh dại lây nhiễm như thế nào?
Bệnh dại lây nhiễm như thế nào?

Virus dại đi vào cơ thể người và động vật chủ yếu theo 2 con đường chính:

  • Con đường lây nhiễm trực tiếp:  Bệnh dại ở chó có thể lây truyền thông qua những vết cắn của động vật bị mắc bệnh dại khác. Sự phát bệnh nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào vết cắn, nếu vết cắn sâu, rộng thì khả năng mắc bệnh dại sẽ cao hơn.
  • Con đường lây nhiễm gián tiếp: Người và chó cưng cũng có thể bị nhiễm virus dại thông qua vết thương hở, vết thương chưa lành bị tiếp xúc với các chất có chứa virus dại như nước bọt, máu…

Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể của động vật cảm thụ thành công, chúng sẽ hướng về hệ thần kinh trung ương đó chính là não và tủy sống. Tại đây, virus dại sẽ tiết ra độc tố gây tê liệt thần kinh, viêm não cấp tính khiến cho vật chủ không thể tự kiểm soát được hành vi của chính mình. Ngoài ra, nước bọt của các loài động vật bị mắc bệnh dại có có thể truyền sang chú chó khỏe mạnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với giác mạc mắt.

Nếu bị chó dại cắn bao lâu thì phát bệnh?

Thời gian ủ bệnh khi bị chó dại cắn thường rất khác nhau từ 14 – 90 ngày nhưng cũng có thể kéo dài hơn thế.

Thời gian phát bệnh dại
Thời gian phát bệnh dại

Thời gian ủ bệnh dại dài hay ngắn như Petwiki đã nói ở trên đó là phụ thuộc vào vị trí vết cắn, độ sâu và rộng của vết thương, điều kiện ngoại cảnh…. Vị trí cắn càng gần não thì thời gian phát bệnh càng nhanh và ngược lại vị trí cắn càng xa não thì thời gian phát bệnh càng ngắn.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh dại ở chó

Chó bị bệnh dại thường có 2 thể chính đó là thể dại điên cuồng và thể dại bại liệt (hay còn có tên gọi khác là thể dại câm).

Bệnh dại trên chó ở thể điên cuồng

Chó bị dại ở thể bệnh này thường chiếm từ 15-20%. Ở các nước nhiệt đới thì tỷ lệ chó bị bệnh dại ở thể điên cuồng sẽ cao hơn ở khoảng 7%. Biểu hiện lâm sàng ở chó bị bệnh được chia ra làm 3 thời kỳ khác nhau:

Thời kỳ mở đầu

Ở thời kỳ này, bệnh dại ở chó rất khó phát hiện. Chú cún có các biểu hiện khác thường, sợ tiếng động nên hay  trốn vào góc tường, chỗ tối nằm. Khi chủ nhân gọi, chú cún sẽ tiến lại nhưng với thái độ miễn cưỡng. Thỉnh thoảng, chú cún sẽ cắn sủa vu vơ lên không khí hoặc cắn đớp không khí, biểu hiện bồn chồn.

Thời kỳ kích thích

Ở thời kì này, virus dại đã xâm nhập và thao túng hoàn toàn hệ thần kinh của bé chó khiến chú cún có tính cách khác lạ hơn như thường xuyên nổi loạn, khó kiểm soát hơn.

Bệnh dại ở thể điên cuồng
Bệnh dại ở thể điên cuồng

Dấu hiệu của bệnh dại càng trở nên rõ ràng hơn khi có sự tác động mạnh ở môi trường xung quanh làm kích thích lên các cơ quan thần kinh của cún:

  • Đang ngồi tự chú cún tự nhiên đứng dậy và nhảy lên.
  • Chủ gọi thì lao đến là liếm chân, liếm tay chủ nhân.
  • Nếu thấy người lạ thì chú cún sẽ trở nên hung dữ, xông ra cắn sủa dữ dội đôi khi còn muốn cắn người.
  • Chú cún phản ứng quá mạnh mẽ với tiếng động, ánh sáng. Chỉ cần một kích thích về tiếng động nhỏ hay đèn bật tắt là chú chó đã lao đến và cắn sủa dữ dội
  • Nếu chú cún bị nhiễm dại do động vật hoang dã cắn thì vết cắn sẽ bị ngứa, chó thường xuyên liếm vết thương hay cọ sát người vào các bề mặt nhám để gãi khiến cho lông ở vùng đó bị rụng, vết thương bị nhiễm trùng.
  • Một biểu hiện cực kỳ quan trọng mà bạn cần đặc biệt chú ý chính là con ngươi của chú chó bỗng nhiên mở to ra, đi kèm với hiện tượng nước dãi chảy nhiều, sùi bọt mép.

Sau khi phát bệnh khoảng 2-3 ngày thì mắt chó trở nên đỏ ngầu, mồm hốc hác, chó bỏ ăn và bị đau khi nuốt thức ăn….

Thời kỳ bại liệt

Thời kỳ bại liệt là giai đoạn cuối của bệnh dại ở chó. Chú cún bị liệt mặt, không ăn và không nuốt được, nước bọt chảy ra nhiều, hàm dưới bị trễ hẳn xuống. Sau đó, chú chó sẽ bị liệt các cơ vận động cuối cùng là chết do liệt các cơ hô hấp hoặc bị suy kiệt do không ăn uống được gì.

Bệnh dại trên chó ở thể dại bại liệt

Bệnh dại thể bại liệt
Bệnh dại thể bại liệt

Bệnh dại ở thể bại liệt hay còn được gọi là thể dại câm, vì cún không căn cũng không sửa. Thể dại này, cún có các triệu chứng như chó bị dại ở giai đoạn cuối cùng (thời kỳ bại liệt). Sau khi lên cơn dại, đa số trường hợp bệnh chỉ kéo dài từ 5-7 ngày rồi chết

Bệnh tích của bệnh dại trên chó

Khi chó bị dại bệnh tích ít mang tính chất chẩn đoán hoặc tính chất điển hình nhưng khi thăm khám thì cần chú ý các đặc điểm như: dạ dày không chứa gì vì trong thời kì bị dại chú chó rất đau đớn khi nuốt thức ăn. Niêm mạc dạ dày và ruột bị phù nề, có vài nốt xuất huyết lấm chấm.

Hướng dẫn bạn cách phòng bệnh dại trên chó

Biện pháp đối với đàn chó

Theo dịch tễ học, chó là động vật trung gian truyền bệnh dại nhiều nhất tới người. Vì vậy, khi muốn nuôi cún cưng bạn cần: 

  • Đăng ký nuôi cún với các cơ quan thú y nhà nước
  • Tiêm phòng bệnh dại cho thú cưng định kỳ hàng năm.

Đối với Nhà Nước

  • Phạt chủ nuôi khi để chó chạy tự do mà không có rọ mõm
  • Tiêu hủy những chú chó dại thả rông mà không điều tra được nguồn gốc, chủ nhân
  • Tiêu hủy những động vật mắc hoặc nghi mắc bệnh dại
  • Tại nơi có chó mèo dại thì cần tiêu hủy hết cả đàn để hạn chế lây nhiễm bệnh dại.

Phòng bệnh bằng vacxin dại

Phòng bệnh dại ở chó
Phòng bệnh dại ở chó

Khi nói đến vacxin phòng chống bệnh dại thì ta cần chú ý phân biệt rõ 2 khái niệm về vaccine dại: tiêm phòng sau khi nhiễm và tiêm phòng trước khi nhiễm

  • Tiêm phòng sau khi nhiễm: Là loại vacxin chỉ dùng cho con người sau khi bị động vật dại cắn. 
  • Tiêm phòng cho chó trước khi nhiễm: 

Vaccine là một biện pháp phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng và cần thiết. Khi chú cún của bạn đạt 12 tuần tuổi thì bạn nên tiêm mũi vacxin dại đầu tiên, sau đó nhắc lại khi cún đạt 1 năm tuổi. Đặc biệt, vacxin phòng dại cần phải được tiêm lặp lại hàng năm để giữ vững được bảo hộ của vacxin đối với chú cún. Giá vacxin phòng bệnh dại hiện nay tương đối rẻ chỉ từ 50.000 – 70.000 VNĐ

Biện pháp xử lý đối với người khi bị chó cắn

Dại là một căn bệnh nguy hiểm có thể lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xử lý khi bị chó cắn để hạn chế tối đa nguy cơ bị mắc bệnh dại. 

Khi bị chó cắn, bạn cần tẩy rửa vết thương ngay lập tức và kỹ lưỡng bằng xà phòng cùng với thuốc sát trùng (cồn 70 độ, cồn iod 5%)

Biện pháp xử lý khi bị chó cắn
Biện pháp xử lý khi bị chó cắn

Nếu vết cắn rất nhẹ và xa phần kinh trung ương và tại thời điểm ấy, con vật không có biểu hiện nghi ngờ bị dại thì không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi chú chó ấy từ 10- 15 ngày.

Trong trường hợp, chú chó cắn bị ốm, bỏ ăn, hay chẳng may bị đưa đi giết mổ khiến bạn không thể theo dõi được tình trạng của chú cún thì bạn cần phải đi tiêm phòng ngay lập tức

Cách điều trị bệnh dại

Đối với chó bị bệnh dại thì không tiến hành chữa trị, cần tiêu hủy ngay 

Đối với người bị chó dại cắn thì cần đưa đi tiêm kháng huyết thanh càng sớm càng tốt

Kháng huyết thanh là một lượng kháng thể có nguồn gốc từ người hoặc động vật, giúp cho cơ thể có kháng thể để dự phòng, chữa trị bệnh, điều trị kết hợp hay điều trị thay thế để chống lại tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác.

Bệnh dại là một căn bệnh nguy hiểm với tốc độ phát triển bệnh cực kỳ nhanh gây ra nhiều cái chết thương tâm cho cả vật nuôi, chủ nuôi, các thành viên trong gia đình và tất cả những người xung quanh. Để bảo vệ cho người thân và chính bản thân bạn hãy chủ động đưa chú cún của mình đi tiêm phòng vacxin dại hàng năm. Hy vọng Petwiki đã giúp ích được cho bạn, hãy phòng tránh và bảo vệ cún cưng cũng như bản thân mình nhé.

Bài Viết Mới

Bài Viết Liên Quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here